Tối 23 tháng 03, người yêu thích thiên văn sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối một phần diễn ra trong khoảng từ 18h đến 20h54 theo giờ Việt Nam. Mặc dù chỉ là nửa tối một phần, đây vẫn là một điều khá thú vị đối với người thích quan sát bầu trời.

 

Nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng đi vào nón bóng tối của Trái Đất và không nhận được đủ ánh sáng Mặt Trời để toả sáng như trong những đêm thông thường. Đối với nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng không đi vào khu vực bóng tối hoàn toàn mà chỉ đi vào vùng nửa tối, do đó nó không chuyển sang màu đỏ sẫm như với nguyệt thực toàn phần hay một phần mà chỉ chuyển sang màu đỏ nhạt. Riêng đối với lần này, chỉ có một phần của Mặt Trăng đi vào bóng nửa tối, còn lại các phần khác vẫn nhận được đủ ánh sáng Mặt Trời, do đó nguyệt thực này chỉ là nguyệt thực nửa tối một phần, đồng thời phần đi vào vùng nửa tối cũng chuyển màu không nhiều do vẫn còn rất gần khu vực được chiếu sáng.

Về mặt vật lý cũng như đối với người quan sát có kinh nghiệm, hiện tượng này không có gì đặc biệt và cũng không mang lại thông tin nào cho khoa học. Mặc dù vậy, đối với nhiều người yêu thích việc quan sát bầu trời thì việc quan sát dù chỉ một phần của Mặt Trăng thay đổi cũng là khá thú vị.

Các khu vực quan sát được nguyệt thực (vùng tối màu). Nguồn hình ảnh: Timeanddate.com


Nguyệt thực sẽ được quan sát ở hầu hết châu Á và châu Mỹ, toàn bộ châu Úc và Thái Bình Dương, có nghĩa là Việt Nam cũng nằm trong khu vực có thể quan sát hiện tượng này. Theo giờ Việt Nam, nguyệt thực sẽ bắt đầu từ 16h39 ngày 23/03. Tuy vậy do thời điểm này Mặt Trăng chưa mọc khỏi chân trời nên chính xác là thời điểm bắt đầu quan sát được hiện tượng tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng sau 18h00. Tuy nhiên, nếu bạn không thể quan sát đủ thấp tới sát chân trời phía Đông (như đối với người sống giữa các đô thị) thì thời điểm bạn thực sự quan sát được sẽ muộn hơn một chút, gần 18h30. 18h47 cùng ngày là lúc nguyệt thực đạt cực đại, khoảng 85% đĩa sáng Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối và chuyển sang màu cam hoặc đỏ nhạt, sau đó hiện tượng kết thúc dần cho tới 20h54 cùng ngày.

Để quan sát nguyệt thực, bạn không cần bất cứ dụng cụbaor vệ nào vì khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn an toàn. Tất nhiên, nếu có ống nhòm, kính thiên văn hay một chiếc camera có độ phóng đại tương đối tốt (trên 10x), bạn sẽ quan sát được hình ảnh đẹp hơn. Thời tiết và mức độ ô nhiễm của không khí vẫn đóng vai trò trong hiện tượng này như đối với bất kì hiện tượng thiên văn nào khác.

VACA