Năm 2005, hai nhà thiên văn Mike Brown và Chad Trujillo đã phát hiện ra hành tinh lùn Makemake, được cho là thiên thể lớn thứ ba trong vành đai Kuiper, sau Pluto và Eris. Vào thời điểm đó, các nhà thiên văn học tin rằng thiên thể này hoàn toàn đơn độc trên quĩ đạo dài quanh Mặt Trời của nó. Nhưng dữ liệu mới từ kính thiên văn không gian Hubble đã cho thấy một vệ tinh chuyển động quanh hành tinh lùn này, và đưa ra giải thích cho vị trí nó đã ẩn giấu.

 

"Vệ tinh mà chúng tôi tìm thấy không quá mờ và quá gần Makemake. Nó ở ngay trong dữ liệu khi chúng tôi quan sát." Alex Parker, điều tra viên đứng đầu của nghiên cứu cho biết.

Thiên thể mới phát hiện được tạm gọi là MK 2 này đã luôn ở đó, nhưng nó chuyển động quanh Makemake trên mặt phẳng gần như trùng ngay góc nhìn của chúng ta, vậy nên phần lớn thời gian nó bị che khuất bởi Makemake lớn và sáng hơn nhiều. Makemake có đường kính 1.434km, trong khi thiên thể mới phát hiện có kích thước chỉ khoảng 161km, nó được mô tả như là một đồng hành tối của Makemake.

Có hai khả năng giải thích cho việc một hành tinh lùn sáng (phản xạ ánh sáng tốt) lại có một vệ tinh tối. Kịch bản thứ nhất cho rằng đây là một thiên thể Kuiper bị bắt giữ bởi lực hấp dẫn của Makemake. Còn kịch bản thứ hai thì cho rằng thiên thể này đã được tạo ra do một vụ va chạm tương tự như va chạm đã tạo nên hệ thống vệ tinh của Pluto.

Các quan sát tiếp theo vẫn tiếp tục được thực hiện để sớm xác định được quỹ đạo chính xác và khối lượng của thiên thể này. Với khám phá này, Makemake đã gia nhập vào nhóm các thiên thể Kuiper có vệ tinh, trước đây đã bao gồm Pluto, Eris, Quaoar và Haumea.

Bryan
Theo Astronomy