Chiều tối mùng 9 tháng 5 tới đây theo giờ Việt Nam, một hiện tượng thiên văn hiếm gặp sẽ diễn ra: Sao Thuỷ đi qua đĩa sáng Mặt Trời. Đây là hiện tượng chỉ xảy ra 14 lần trong toàn bộ thế kỷ 21. Tuy nhiên, chỉ có một vùng nhỏ của Việt Nam có một phần cơ hội quan sát hiện tượng này.

 

 

 

Sao Thuỷ đi qua đĩa sáng Mặt Trời, còn gọi là Sao Thuỷ quá cảnh (transit of Mercury) là hiện tượng Sao Thuỷ đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời, người quan sát từ Trái Đất thấy Sao Thuỷ dưới dạng một chấm đen lướt qua đĩa sáng Mặt Trời. Hiện tượng này xảy ra do Sao Thuỷ ở gần Mặt Trời hơn Trái Đất. Quĩ đạo của Sao Thuỷ lệch góc so với quĩ đạo Trái Đất khoảng 7 độ nên đường đi của hành tinh này cắt mặt phẳng hoàng đạo (tức mặt phẳng quĩ đạo Trái Đất) tại hai điểm. Trong mỗi chu kỳ Sao Thuỷ đều đi qua hai điểm này, nhưng điều kiện đủ để hiện tượng xảy ra là thời điểm nó đi qua trùng với thời điểm giao hội của nó với Trái Đất và Mặt Trời (ba thiên thể "gần như" thẳng hàng).

Quá cảnh của Sao Thuỷ có thể xảy ra vào tháng năm hoặc tháng mười một (những thời điểm mà nó đi vào khu vực giữa Trái Đất và Mặt Trời). Hiện tượng này diễn ra phổ biến hơn so với quá cảnh của Sao Kim do Sao Thuỷ có chu kỳ ngắn hơn (Sao Kim chỉ lướt qua đĩa sáng Mặt Trời hai lần trong thế kỷ 21 này vào năm 2004 và năm 2012, lần tiếp theo sẽ là năm 2117). Mỗi thế kỷ có khoảng 13 hoặc 14 lần Sao Thuỷ quá cảnh, thế kỷ 21 có 14 lần rơi vào các năm 2003. 2006, 2016, 2019, 2032, 2039, 2049, 2052, 2062, 2065, 2078, 2085, 2095 và 2098.

Lần quá cảnh tới đây của Sao Thuỷ sẽ diễn ra từ 18h10 ngày mùng 9 cho tới 1h44 rạng sáng mùng 10 tháng 5 này theo giờ Việt Nam. Như vậy, hầu hết thời gian hiện tượng diễn ra, Mặt Trời đã ở dưới đường chân trời, nên về cơ bản ở Việt Nam không quan sát được hiện tượng này. Khu vực duy nhất ở Việt Nam có thể theo dõi giai đoạn đầu tiên của hiện tượng này là khu vực miền Bắc (có màu vàng nhạt như trong hình dưới). Tuy nhiên vào thời điểm sau 18h Mặt Trời đã rất sát đường chân trời nên khả năng quan sát được là rất khó, chỉ có thể thực hiện khi người quan sát có góc nhìn đủ rộng về phía chân trời phía Tây (người quan sát có thể đứng trên đồi, núi hay nhà cao tầng với điều kiện tầm nhìn về phía Tây không bị cản trở).

Trong hình dưới đây (lấy từ website Timeanddate.com), có thể thấy khu vực vàng thẫm có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng gồm Tây và Bắc Âu, một phần Tây Phi, phần Đông của Bắc Mỹ và hầu như toàn bộ Nam Mỹ, các vùng vàng nhạt chỉ quan sát được một giai đoạn của hiện tượng, trong đó miền Bắc  Việt Nam nằm ở sát rìa phía Đông, nên chỉ có thể theo dõi giai đoạn đầu của hiện tượng khi Mặt Trời đã xuống rất thấp dưới chân trời.

Trong trường hợp người quan sát ở vị trí có thể quan sát hiện tượng này, hãy lưu ý rằng tuyệt đối không nhìn vào Mặt Trời qua kính thiên văn, ống nhòm hay bất cứ dụng cụ phóng đại nào khác nếu không có kính lọc Mặt Trời (sun filter) chuyên dụng chắn trước vật kính. Việc nhìn vào Mặt Trời khi nó đã gần đường chân trời bằng mắt thường hay kính râm là an toàn nếu thời gian quan sát không quá 30 giây, nhưng để bảo đảm tuyệt đối thì người quan sát nên có kính quan sát Mặt Trời (solar glasses) (những dụng cụ này thường khó mua ở Việt Nam và không thể tự chế tạo, do đó người quan sát có thể nhìn Mặt Trời bằng mắt thường hay qua kính râm tối màu, nhưng cần tính thời gian cho hợp lý, nhất là trẻ em có thị giác chưa phát triển hoàn thiện hoặc người có thị lực yếu chỉ nên nhìn vào Mặt Trời không quá 10 giây).

Lần tiếp theo Sao Thuỷ lướt qua đĩa sáng Mặt Trời sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2019, nhưng cũng không thể quan sát tại Việt Nam. Người quan sát tại Việt Nam sẽ cần đợi tới năm 2032 để có cơ hội quan sát hiện tượng này.

VACA