Các nhà nghiên cứu thuộc dự án tìm kiếm các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời Kepler của NASA vừa công bố dữ liệu mới của họ về các ngoại hành tinh đã được quan sát, với hơn 1.200 ngoại hành tinh mới được ghi nhận. Con số này là làm số lượng hành tinh đã có trong danh sách được tăng thêm hơn gấp đôi.

 

Kính thiên văn không gian Kepler của NASA tìm kiếm các ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời) bằng cách quan sát toàn bộ khu vực trong phạm vi 3.000 năm ánh sáng tính từ Hệ Mặt Trời và thu lại hình ảnh của các sao trong phạm vi này. Khi một sao có hành tinh chuyển động quanh nó, có những thời điểm hành tinh lướt qua phía trước của sao mẹ và điều này làm độ sáng của sao thay đổi đối với người quan sát từ Trái Đất (cấp sao biểu kiến thay đổi). Dựa vào sự biến thiên độ sáng này, Kepler xác định được những sao nào là ứng viên có hành tinh. Cho tới đầu năm 2016, đã có hơn 1.000 ngoại hành tinh được xác định trong dữ liệu ghi nhận được của Kepler, một số trong số đó là các hành tinh dạng Trái Đất có quĩ đạo thuộc vùng sống được (phạm vi khoảng cách quanh một ngôi sao mà tại đó nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh).

Tuy nhiên, không phải tất cả các sao có biến quang được quan sát đều chắc chắn có hành tinh chuyển động quanh. Dữ liệu cần được phân tích chi tiết để lọc ra các tín hiệu giả và chọn được đúng các ứng viên thực sự có hành tinh. Để có công bố vừa qua, nhóm nghiên cứu Kepler đã áp dụng một phần mềm mới có khả năng phân tích chính xác tín hiệu đến từ các sao. Thành tựu mới này đã cho phép các  nhà nghiên cứu công bố danh sách bổ sung 1.284 hành tinh mới vào danh sách các ngoại hành tinh mà Kepler đã quan sát được. (Lưu ý rằng đây không phải các quan sát mới mà là các hành tinh mới được xác định qua phương pháp phân tích dữ liệu mới).

Danh sách mới này có sự tham gia của nhiều hành tinh chu kỳ dài. Các hành tinh này rất quan trọng vì chúng gần giống với chu kỳ của Trái Đất. Có tất cả 84 hành tinh có chu kỳ trên 100 ngày, trong đó hành tinh có chu kỳ dài nhất là 510 ngày. Việc phát hiện ra các hành tinh này tất nhiên khó hơn rất nhiều so với các hành tinh chu kỳ ngắn bởi phải mất nhiều thời gian hành tinh mới lướt qua sao mẹ một lần (chẳng hạn nếu một nền văn minh ngoài Trái Đất quan sát Hệ Mặt Trời với cùng phương pháp như của Kepler, họ chỉ có thể dễ dàng phát hiện ra Sao Thuỷ và Sao Kim, trong khi Trái Đất và Sao Hoả đòi hỏi kiên nhẫn và phân tích tỉ mỉ hơn, còn từ Sao Mộc trở đi sẽ có rất ít cơ hội xác định được).

Đa số các hành tinh mới xác nhận trong danh sách 1.284 hành tinh này là  các hành tinh thuộc loại "Sao Hải Vương nhỏ" (các hành tinh có khối lượng nhỏ hơn Sao Hải Vương, ở giới hạn dưới của khối lượng đối với hành tinh khí), tiếp đến là các siêu-Trái Đất (các hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn hành tinh khí).

Biểu đồ cho so sánh dữ liệu của Kepler. Số lượng hành tinh được tính theo thang chia theo trục dọc. Màu cam là hành tinh mới được xác nhận, màu xanh là hành tinh đã có trong danh sách từ trước. Các cột từ trái sang phải: hành tinh cỡ Sao Hoả, hành tinh cỡ Trái Đất, hành tinh loại "siêu Trái Đất", hành tinh dưới Sao Hải Vương, hành tinh cỡ Sao Hải Vương, hành tinh dưới Sao Mộc, hành tinh cỡ Sao Môc, hành tinh lớn hơn Sao Mộc (siêu Sao Mộc)

Để một hành tinh có khả năng có sự sống thì cần tới rất nhiều yếu tố. Ngoài việc nằm trong vùng sống được của sao mẹ, nó còn cần tới kích thước, khối lượng, vận tốc tự quay, vận tốc quĩ đạo, ...phù hợp (chưa tính tới thành phần khí quyển và quan trọng nhất là sự có mặt của chất hữu cơ). Trong tổng cố các hành tinh đã được đưa vào dữ liệu chính thức của Kepler, chỉ có tổng cộng 9 hành tinh được coi là có khả năng có sự sống do đáp ứng tương đối đủ các điều kiện vật lý. Kepler-452b là hành tinh được coi là gần với Trái Đất nhất bởi nó không chỉ có kích thước tương đương mà còn có độ dài của năm cũng gần với Trái Đất - 385 ngày. Tất nhiên, ngay cả nó cũng như các hành tinh được coi là nhiều khả năng sống được nhất cũng chỉ mới đáp ứng những điều kiện cần đầu tiên cho sự sống.

Hiện nay, vẫn còn hơn 3.000 ứng viên hành tinh trong dữ liệu của Kepler và các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục kết hợp dữ liệu thu được với phương pháp phân tích mới để loại ra các trường hợp không phải hành tinh. Đồng thời các kỹ thuật cao hơn cũng tiếp tục được nghiên cứu và phát triển để tìm ra những hành tinh thực sự giống Trái Đất.

VACA