Một nghiên cứu mới của cơ quan không gian châu Âu ESA gợi ý một nguyên nhân khiến cho Sao Kim luôn là một địa ngục nóng và khô cằn. Thủ phảm là những cơn gió điện trên tầng cao khí quyển đã loại bỏ tất cả những dấu hiệu dù nhỏ nhất của hơi nước ra khỏi bầu trời của nó.

 

Mặc dù Sao Kim nằm trong vùng sống được của Hệ Mặt Trời, thứ gì đó đã xảy ra trong quá khứ khiến nó từ một hành tinh xanh tươi hơn trở thành khô cằn với hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ gây ra do lượng lớn carbon dioxide (CO2) trong khí quyển. Những khí này giữ lại rất nhiều nhiệt tới từ Mặt Trời. Nhưng gió điện có vẻ như còn đi xa thêm một bước trong việc làm nước biến mất khỏi hành tinh này.

Ngoài trường hấp dẫn có tác dụng giữ lấy khí quyển cho mình, các hành tinh đều có một điện trường yếu, đẩy các nguyên tử, phân tử khỉ lên phía trên. Ở Trái Đất, điện trường này rất yếu. Nhưng ở Sao Kim, điện trường lớn hơn Trái Đất rất nhiều và nó không chỉ đẩy các nguyên tố nhẹ như hydro mà cả các nguyên tử oxy mang điện (oxy dạng ion hoá) lên tầng cao khí quyển. Do vậy toàn bộ hơi nước trong khí quyển của hành tinh này đều bị đẩy lên tầng cao của khí quyển. Ở đó, gió Mặt Trời dẫn điện vào khí quyển và gây ra những cơn gió mang điện phá vỡ liên kết của phân tử nước, tách chúng  thành hydro và oxy. Hydro bay đi còn oxy chìm xuống dưới bề mặt và góp phần tạo thành carbon dioxide.

NASA cho biết những cơn gió điện này có thể cũng là thủ phạm của việc sự khô cằn trên Sao Hoả khi nó phá vỡ cấu trúc phân tử của nước trên bề mặt hành tinh này khiến các đại dương trong quá khứ biến mất.

Đối với việc tìm kiếm các hành tinh sống được, các nhà khoa học cho rằng gió điện là một yếu tố cần được tính tới, vì nó liên quan đến khả năng cho phép sự sống. Rõ ràng, theo một kịch bản hoàn hảo thì Sao Kim và Sao Hoả cũng là những hành tinh sống được như Trái Đất. Điều đó cũng tương tự khi chúng ta tìm kiếm các hành tinh trong vùng sống được quanh các ngôi sao, nhưng khả năng sống được thực sự phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Clip dưới đây sẽ mô tả một cách trực quan hơn về hiện tượng này



L.C
Theo Astronomy, NASA