Có rất nhiều hành tinh kỳ lạ trong thiên hà của chúng ta, nhưng HD 131399Ab có lẽ là một trong những hành tinh kì lạ nhất. Được phát hiện trong một khảo sát thực hiện trên 100 sao trẻ, hành tinh mới 16 triệu tuổi này vẫn còn đủ nóng để các nhà thiên văn học có thể ghi hình trực tiếp. Bằng cách nào đó mà chỉ trong vài triệu năm ngắn ngủi nó đã dịch chuyển ra xa khỏi sao mẹ tới 80 AU (đơn vị thiên văn, 1 đơn vị thiên văn là khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời).

 

Nhưng đồng thời cùng sao mẹ - một sao lớn hơn Mặt Trời một chút, là hai sao đồng hành có quĩ đạo quanh nhau ở khoảng cách từ 300 đến 400 AU.

"Trong trường hợp này, hành tinh này ở gần các sao trong cùng hệ hơn nhiều so với tất cả các ngoại hành tinh trong các hệ nhiều sao từng được biết tới," Kevin Robert Wagner, người đã tốt nghiệp Đại học Arizona và là tác giả chính của khám phá cho biết.

Rất nhiều hành tinh trong các hệ nhiều sao đã được tìm thấy. Nhưng rất ít trong số chúng nằm cách sao mẹ xa như HD 131399Ab, trong khi nằm gần các sao khác trong hệ như vậy. Chẳng hạn, hành tinh Fomalhaut b nằm cách sao mẹ của nó (một sao chuyển động quanh sao Fomalhaut) khoảng 300 AU, nhưng sao mẹ này lại chuyển động trên quĩ đạo quanh Fomalhaut ở khoảng cách tới 57,000 AU, tức là gần 1 năm ánh sáng.

Trường hợp của HD 131399Ab giống như một hành tinh nằm trong vành đai Kuiper nhưng cặp sao đồng hành thì lại nằm ngay trong đám mây Oort của Hệ Mặt Trời chúng ta.

Hình ảnh hệ sao ba và hành mới được phát hiện chụp qua thiết bị SPHERE của kính thiên văn cực lớn của ESO

Dạng quĩ đạo của hành tinh (đường màu đỏ) và quĩ đạo quanh nhau của các sao trong hệ (đường màu xanh; hai sao còn lại là một cặp đồng hành có khoảng cách rất gần nhau và cũng chuyển động quanh nhau)

Wagner và các đồng nghiệp vẫn đang tìm hiểu thêm về quĩ đạo của hành tinh này. Nếu quĩ đạo rất dẹt, có nghĩa là nó được tạo thành ở gần sao mẹ hơn và sao đó bị đẩy ra xa bởi một hành tinh trong hệ chưa được tìm thấy. Cũng có một khả năng nhỏ là nó hình thành trên quĩ đạo quanh một trong số các sao ở xa hơn và được đẩy về phía sao mẹ hiện nay.

Hành tinh này cách chúngta chỉ 319 năm ánh sáng, đủ gần để có thể tìm hiểu một số chi tiết về khí quyển của nó. Các nhà thiên văn học ước tính nó có khối lượng khoảng 3 đến 5 lần Sao Mộc và có thể có nước hoặc methane trong khí quyển của nó, trung gian giữa khí quyển của Sao Mộc và Sao Thổ.

Các nghiên cứu trong tương lai sẽ cung cấp một cầu nối tới việc hiểu được sự tạo thành của hành tinh trong những hệ khác biệt. Và có lẽ, chỉ có lẽ thôi, chúng ta sẽ có thể xác định được chúng tới từ đâu.

Bryan
Theo Astronomy