Tàu không gian Juno của NASA vừa gửi về những hình ảnh đầu tiên của cực Bắc Sao Mộc, được chụp vào lần bay ngang qua Sao Mộc đầu tiên. Các hình ảnh cho thấy hệ thống các cơn bão và hoạt động thời tiết không giống với bất cứ điều gì chúng ta nhìn thấy trước đó trên bất kỳ hành tinh khí khổng lồ nào trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.

 

 

Juno thực hiện quỹ đạo đầu tiên trong số 36 quỹ đạo quanh Sao Mộc vào ngày 27 tháng tám khi bay ở độ cao 4.200 km phía trên những đám mây xoáy của hành tinh này. Việc tải về sáu megabyte dữ liệu được thu thập trong suốt 6 giờ từ cực Bắc của đến cực Nam của Sao Mộc mất 1,5 ngày. Trong khi phân tích các dữ liệu đầu tiên này, một số khám phá độc đáo đã được tìm ra.

"Cái nhìn đầu tiên của cực Bắc Sao Mộc không giống với những gì chúng ta đã thấy hoặc tưởng tượng trước đây", Scott Bolton, điều tra viên chính của Juno từ viện nghiên cứu ở San Antonio cho biết. "Nó có màu xanh hơn các khu vực khác của hành tinh với rất nhiều bão. Không có dấu hiệu gì của những đường viền chạy dọc vĩ độ như chúng ta từng biết. Thật khó tưởng tượng đây lại là Sao Mộc. Chúng ta có thể thấy bóng của các đám mây, tức là các đám mây nằm cao hơn so với những khu vực khác.

Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất của những hình ảnh đầu tiên về cực Bắc và cực Nam Sao Mộc đó là có những thứ mà JunoCam (camera của Juno) không nhìn thấy.

"Sao Thổ có những hình lục giác ở cực Bắc," theo Bolton. "Không có gì giống như vậy ở trên Sao Mộc. Các hành tinh lớn trong Hệ Mặt Trời của chúng ta thật là độc đáo. Chúng ta có hơn 36 vòng quỹ đạo nữa để tìm hiểu xem nó là gì."

Cùng với những hình ảnh chụp bởi JunoCam trong thời gian bay qua Sao Mộc, Juno có tổng cộng tám thiết bị thăm dò và thu thập dữ liệu. Bản đồ hồng ngoại JIRAM được cung cấp bởi Cơ quan vũ trụ Italia, thu về một số hình ảnh đáng chú ý của cưc bắc và cực nam Sao Mộc ở bước sóng hồng ngoại.

"JIRAM có thể nhìn thấy bên dưới bề mặt Sao Mộc, cho chúng ta hình ảnh hồng ngoại đầu tiên của hành tinh", theo Alberto Adriani, điều tra viên của JIRAM từ tổ chức vật lý thiên văn và hành tinh tại Rome. "Những hình ảnh hồng ngoại đầu tiên về hai cực của Sao Mộc đã tiết lộ những điểm ấm và nóng chưa từng được thấy trước đây. Và trong khi chúng ta biết rằng những hình ảnh hồng ngoại đầu tiên của cực nam Sao Mộc có thể tiết lộ cực quang phía Nam của hành tinh này, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy nó lần đầu tiên. Chưa có bất cứ thiết bị nào khác, trên mặt đất hay không gian, có thể nhìn thấy cực quang phía Nam Sao Mộc. Bây giờ, với JIRAM, chúng ta thấy rằng nó rất sáng và có cấu trúc rõ ràng. Với mức độ chi tiết cao của các bức ảnh này sẽ cho chúng ta biết thêm về hình thái học và động lực học của cực quang."

Trong số những dữ liệu độc nhất được thu thập bởi Juno trong lần quan sát Sao Mộc đầu tiên của nó có các dữ liệu thu được nhờ thiết bị thử nghiệm sóng vô tuyến/plasma (viết tắt là Waves). Nó đã ghi nhận được những "âm thanh ma quái" phát ra từ trên tầng cao khí quyển của Sao Mộc. Điều này đã được dự đoán từ những năm 1950 nhưng chưa bao giờ nó được phân tích từ một điểm thuận lợi như vậy.

"Sao Mộc đang nói chuyện với chúng ta theo cách mà chỉ các hành tinh khí không lồ mới có được," Bill Kurth, điều tra viên của Waves thuộc Đạu học Iowa nói. "Waves đã phát hiện được dấu hiệu phát xạ của các hạt năng lượng cao phát ra từ cực quang mạnh mẽ ở cực Bắc của Sao Mộc. Đây là những phát xạ mạnh nhất trong Hệ Mặt Trời. Bây giờ chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra nơi xuất phát của các electron đã tạo ra những phát xạ đó."

Tàu không gian Juno được phóng lên vào ngày 05 Tháng Tám năm 2011, tại Cape Canaveral, Florida và tiếp cận Sao Mộc vào ngày 04 tháng 7 năm 2016. Phòng thí nghiệm JPL của NASA giao việc quản lý các nhiệm vụ của Juno cho điều tra viên chính là Scott Bolton của viện vghiên cứu ở San Antonio. Juno là một phần của chương trình New Frontiers của NASA, được quản lý tại Trung tâm hàng không không gian Marshall của NASA ở Huntsville, Alabama.

Trần Hữu Phú Cường
Theo Science Daily