Đêm nay 16/09 và rạng sáng mai 17/09, người quan sát tại Việt Nam sẽ theo dõi được toàn bộ hiện tượng nguyệt thực nửa tối thứ hai và cũng là cuối cùng của năm 2016.

 

Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất trong đêm Trăng tròn. Việc này khiến nó chỉ nhận được một phần ánh sáng của Mặt Trời. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, Mặt Trăng trong nguyệt thực nửa tối không trở nên tối và đỏ sẫm mà chỉ tối hơn một chút, có thể đỏ hơn nhưng cũng có thể sự xuất hiện của sắc đỏ là không đáng kể, và có thể gây cảm giác rằng nó lớn hơn bình thường một chút.

Dưới đây là hai hình ảnh về nguyệt thực nửa tối được VACA chụp trong sự kiện nguyệt thực nửa tối ngày 21 tháng 12 năm 2010. Hình ảnh chụp trực tiếp bằng máy ảnh kĩ thuật số trong điều kiện khí quyển khá ô nhiễm của Hà Nội nên độ phân giải không cao, nhưng có thể giúp bạn hình dung đôi chút về hình ảnh của hiện tượng này.

Về mặt vật lý cũng như đối với người quan sát có kinh nghiệm, hiện tượng này không có gì đặc biệt và cũng không mang lại thông tin nào cho khoa học. Mặc dù vậy, đối với nhiều người yêu thích việc quan sát bầu trời thì việc quan sát dù chỉ một phần của Mặt Trăng thay đổi cũng là khá thú vị.

Nguyệt thực này có thể được quan sát tại toàn bộ châu Á, châu Âu châu Phi và châu Úc, cùng một phần nhỏ của Nam Mỹ và Greenland, như bạn có thể thấy trong hình ảnh mô phỏng của Timeanaddate.com (vùng tối màu).

Tại Việt Nam thời điểm quan sát hiện tượng này là từ 23h54 đêm nay 16/09 đến 3h53 rạng sáng ngày mai 17/09, với cực đại vào lúc 1h54 (rất gần điểm Trăng tròn tháng này. Trong chu kỳ này, thời điểm Trăng tròn rơi vào 2h05 rạng sáng 17/9, tức 17 tháng 8 âm lịch, không phải rơi vào đêm Trung thu như nhiều người thường ngộ nhận). Tại cực đại, trên 90% Mặt Trăng sẽ đi vào vùng nửa tối và trở nên tối hơn như nói trên.

Để quan sát nguyệt thực, bạn không cần bất cứ dụng cụbaor vệ nào vì khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn an toàn. Tất nhiên, nếu có ống nhòm, kính thiên văn hay một chiếc camera có độ phóng đại tương đối tốt (trên 10x), bạn sẽ quan sát được hình ảnh đẹp hơn. Thời tiết và mức độ ô nhiễm của không khí vẫn đóng vai trò trong hiện tượng này như đối với bất kì hiện tượng thiên văn nào khác.

Ngày 11 tháng 2 năm 2017, chúng ta sẽ có thể quan sát nguyệt thực nửa tối tiếp theo, nhưng với tỷ lệ che khuất thấp hơn.

VACA

Đọc thêm: Nhật thực và nguyệt thực