Các nhà nghiên cứu ở Đại học Michigan đã tìm ra một hành tinh lùn mới trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Nó nằm cách Mặt Trời khoảng 8,5 tỷ dặm (13,68 tỷ km).

Hành tinh lùn mới này được gọi tên theo kí hiệu là 2014 UZ224, có đường kính khoảng 330km và mất khoảng 1.100 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo của nó. Đây là thiên thể xa thứ ba từng được biết tới trong Hệ Mặt Trời, nằm trong một phần của vành đai Kuiper bị tách ra do ảnh hưởng hấp dẫn của Sao Hải Vương.

Một nhóm sinh viên dẫn đầu bởi giáo sư David Gerdes của đại học Michigan đã phát hiện ra 2014 UZ224. Gerdes đã tham gia hỗ trợ trong việc phát triển một công cụ tên là Camera vật chất tối để dựng bản đồ các thiên hà xa.

Trong lần những sinh viên chưa tốt nghiệp ghé thăm vào mùa hè vài năm trước, Gerdes đã yêu cầu họ thử tìm những thiên thể trong Hệ Mặt Trời bằng cách sử dụng bản đồ thiên hà.

Trong khi các sao và thiên hà thường cố định ở cùng một vị trí, một hành tinh hay tiểu hành tinh sẽ ở những vị trí khác nhau trên bầu trời từ đêm này qua đêm khác do chuyển động quỹ đạo của chúng. Điều này cho phép việc nối các vị trí này lại để xác định quỹ đạo của thiên thể quanh Mặt Trời.

Hình ảnh dựng trên máy tính về Sedna - một ứng viên hành tinh lùn, có khoảng cách tới Mặt Trời tương tự với 2014 UZ224

Điều khiến cho việc khám phá ra 2014 UZ224 trở nên thú vị là những hình ảnh Gerdes ghi lại không phải trong những đêm liên tục.

"Chúng tôi thường chỉ có quan sát một thiên thể vào một đêm. Sau đó hai tuần sau lại một quan sát nữa, rồi năm ngày sau một lần nữa, và bốn tháng sau thêm một lần nữa. Vì vậy việc nối các điểm quan sát được là một thách thức lớn." - ông nói.

Chú thích: Trên thực tế, mặc dù các thông số của thiên thể này cho thấy nó có đủ khả năng để có thể được coi là một hành tinh lùn, nhưng để thực sự được công nhận, nó cần được thực hiện thêm nhiều phép đo và được chính thức xác nhận, giống như 2007 OR10 tuy đã được xác nhận là lớn hơn hai hành tinh lùn Makemake và Haumea nhưng đến nay vẫn chưa được chính thức công nhận là hành tinh lùn.

L.C
Theo Astronomy