Có ai ngoài đó không? Câu hỏi về việc liệu sinh vật Trái Đất có đơn độc trong vũ trụ hay không đã thách thức tất cả mọi người từ các nhà sinh vật và các nhà vật lý cho tới các nhà triết học và nhà làm phim. Nó cũng là điều thúc đẩy nghiên cứu của nhà thiên văn học Stephen Kane ở Đại học bang San Francisco về các ngoại hành tinh - những hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời của chúng ta.

 

Là một trong những "thợ săn hành tinh" hàng đầu trên thế giới, Kane tập trung tìm kiếm các vùng sống được, những vùng mà ở đó nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng trên bề mặt hành tinh nếu có đủ áp suát khí quyển. Kane và nhóm của ông, trong đó có cựu sinh viên Miranda Waters, đã kiểm tra vùng sống được trên một hành tinh cách chúng ta 14 năm ánh sáng. Những phát hiện của họ sẽ được công bố trên số tiếp theo của Astrophysical Journal (tạp chí Vật lý thiên văn) với tiêu đề "Đặc tính của hệ hành tinh Wolf 1061."

"Hệ Wolf 1061 rất quan trọng vì nó ở rất gần và nó mang tới những cơ hội khác để tiếp tục các nghiên cứu xem nó có thực sự có sự sống hay không," Kane nói.

Nhưng không chỉ vì khoảng cách gần Trái Đất khiến cho hệ này trở thành một đối tượng hấp dẫn đối với Kane và nhóm của ông. Một trong số ba hành tinh của hệ này, một hành tinh đá có tên là Wolf 1061c, hoàn toàn nằm trong vùng sống được. Với sự hỗ trợ của các cộng tác viên tại Đại học bang Tennessee và tại Geneva, Thụy Sĩ, họ đã có thể đo được thông số về ngôi sao mà hành tinh này chuyển động quanh để qua đó có một bức tranmh rõ ràng hơn về việc liệu sự sống có thể tồn tại ở đó hay không.

Khi các nhà khoa học tìm kiếm những hành tinh có thể duy trì sự sống, họ thường tìm kiếm một hành tinh có tính chất gần giống Trái Đất, Kane cho biết. Cũng như Trái Đất, hành tinh cần phải tồn tại trong khu vực gọi là vùng Goldilocks, nơi mà các điều kiện đều phù hợp cho sự sống.

Một cách đơn giản, hành tinh không được quá gần hay quá xa sao mẹ. Một hành tinh ở quá gần sẽ quá nóng. Nếu nó quá xa, nó sẽ quá lạnh và nước sẽ đóng băng hết, như trường hợp của Sao Hỏa, Kane bổ sung.

Ngược lại, khi hành tinh ấm, hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát có thể xảy ra, khiến nhiệt bị giữ lại bên trong khí quyển. Các nhà khoa học tin rằng đây là điều đã xảy ra với song sinh của Trái Đất là Sao Kim. Các nhà khoa học tin rằng Sao Kim từng có đại dương, nhưng bởi nó quá gần Mặt Trời nên hành tinh này đã trở nên quá nóng và toàn bộ nước đã bay hơi (theo nghiên cứu của NASA). Vì hơi nước có tác dụng đặc biệt mạnh đối với việc giữ nhiệt, nó khiến cho bề mặt hành tinh càng nóng hơn. Nhiệt độ bề mặt của Sao Kim hiện nay đạt tới 880 độ F (471 độ C).

Vì Wolf 1061c nằm gần rìa trong của vùng sống được (rìa ở gần sao mẹ hơn), nó có thể có khí quyển gần giống với Sao Kim. "Nó ở gần ngôi sao đủ để có khả năng xảy ra hiệu ứng nhà kính mát kiểm soát," Kane nói.

Kane và nhóm của ông cũng quan sát thấy rằng không giống như Trái Đất của chúng ta nơi mà sự biến đổi của khí hậu chẳng hạn như một kỷ băng hà là được gây ra bởi những dao động chậm trong quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời, quỹ đạo của Wolf 1061c thay đổi nhanh hơn nhiều, đồng nghĩa với việc khí hậu trên hành tinh này có thể khá hỗn loạn. "Nó có thể gây ra sự lạnh đi hay nóng lên của hành tinh thường xuyên hơn," Kane nói.

Những phát hiện này dẫn tới câu hỏi: Liệu có thể có sự sống trên Wolf 1061c? Theo Kane, có một khả năng là những khoảng thời gian ngắn giữa những lần thay đổi quỹ đạo của Wolf 1061c cũng đủ để làm hành tinh nguội đi. Nhưng hiểu biết đầy đủ về thứ đang diễn ra trên bề mặt hành tinh này sẽ cần tới nhiều nghiên cứu hơn.

Trong những năm tới, sẽ có những kính thiên văn không gian mới được đưa vào sử dụng, chẳng hạn như kính James Webb - kế nhiệm của kính thiên văn không gian Hubble, và nó sẽ có thể xác định các thành phần khí quyển của các ngoại hành tinh, qua đó cho biết những gì diễn ra trên bề mặt chúng - Kane cho biết.

Bryan
Theo Science Daily