Một nhóm các nhà thiên văn học nhiều quốc gia đã xác định được một sao lùn nâu phá kỷ lục về khổi lượng và "độ tinh khiết" trong số các sao cùng loại từng được biết tới. Thiên thể này có kí hiệu SDSS J0104+1535, nằm trong vùng quầng ở rìa xa nhất của thiên hà chúng ta, nơi chứa hầu hết các sao già.

Sao lùn nâu là những thiên thể nằm giữa giới hạn của sao và hành tinh. Khối lượng của chúng quá nhỏ để có thể tạo thành phản ứng nhiệt hạch kết hợp hydro thành heli (phản ứng này giải phóng năng lượng để nó phát sáng như các sao khác), nhưng đồng thời chúng cũng có khối lượng lớn hơn khá nhiều so với các hành tinh.

Nằm cách chúng ta 750 năm ánh sáng trong chòm sao Pisces, SDSS J0104+1535 được tạo thành từ khí có độ tinh khiết gấp 250 lần so với Mặt Trời, tức là nó có tới 99,99% là hydro và heli. Thiên thể này được ước tính đã hình thành cách đây khoảng 10 tỷ năm, các phép đo cũng gợi ý rằng nó dó khối lượng khoảng 90 lần khối lượng của Sao Mộc - đây là khối lượng lớn nhất của một sao lùn nâu từng được biết tới.

Trước đây, chúng ta chưa biết rằng liệu sao lùn nâu có thể được tạo thành từ khí nguyên thuỷ như thế hay không, và khám phá này đã dẫn tới một lượng lớn hơn những sao lùn nâu dạng này còn chưa được biết tới trong quá khứ của thiên hà chúng ta.

Nhóm nghiên cứu được đứng đầu bởi Tiến sĩ ZengHua Zhang ở Viện Vật lý thiên văn trên quần đảo Canary (Tây Ban Nha). Ông nói: "Chúng tôi đã không thực sự trông đợi để thấy những sao lùn nâu 'tinh khiết' như vậy. Tuy nhiên việc tìm thấy một sao như thế thường gợi ý về một lượng lớn chưa được khám phá trước đây - tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu không có thêm nhiều thiên thể tương tự ngoài đó đang đợi để được tìm thấy."

SDSS J0104+1535 được xếp vào nhóm sao lùn loại L qua quang phổ ánh sáng nhìn thấy và cận hồng ngoại thu được qua kính VLT của ESO. Cách phân loại này dựa trên một chương trình mới được chính tiến sĩ Zhang thiết lập rất gần đây.

Tuấn Phong
Theo Science Daily