Tàu không gian Cassini của NASA đã liên lạc lại với Trái Đất sau khi thực hiện cú lặn sâu thành công đầu tiên qua khe hở hẹp giữa Sao Thổ và vành đai của nó hôm 26 tháng 4 vừa qua. Con tàu đang trong quá trình truyền lại dữ liệu khoa học và kỹ thuật thu thập được trong suốt hành trình của nó thông qua hệ thống DSN (Deep Space Network) của NASA đặt ở sa mạc Mojave của bang California. DSN đã thu được tín hiệu của Cassini vào lúc 13h56 ngày 27 tháng 4 theo giờ Việt Nam.

 

Jim Green, giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh tại trụ sở của NASA đặt tại Washington nói: “Trong truyền thống cao cả nhất của khám phá, tàu Cassini của NASA đã lại lần nữa soi sáng một con đường, cho chúng ta thấy những kỳ quan mới và chứng minh cho chúng ta thấy sự tò mò có thể đưa chúng ta tới đâu nếu chúng ta dám làm.”

Khi Cassini đi sâu qua khe hở giữa Sao Thổ và vành đai của nó, tàu không gian đã đến tới điểm cách những đám mây cao nhất của Sao Mộc chỉ 3.000 km (nơi áp suất khí là 1 bar - so với áp suất khi quyển trên Trái Đất) và cách rìa trong có thể quan sát được của các vành đai 300 km..

Mặc dù các nhà quản lý nhiệm vụ lần này tự tin rằng Cassini sẽ qua được khe hở này thành công nhưng họ vẫn có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cho lần đi sâu vào đầu tiên này vì khu vực đó trước đây vẫn chưa được khám phá.

“Chưa từng có tàu không gian nào tiếp cận Sao Thổ gần đến như vậy. Chúng tôi chỉ có thể dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi về những vành đai khác của Sao Thổ để dự đoán xem khe hở giữa Sao Thổ và các vành của nó ra sao," - Eart Maize, điều hành dự án Cassini tại Phòng thí nghiệm phản lực của NASA ở Pasadena, California cho biết. "Tôi rất vui khi thông báo rằng Cassini đã lượn qua khe hở như chúng tôi đã lên kế hoạch và đã đi ra khỏi ở mặt bên kia trong trạng thái rất hoàn hảo.”

 

cassini dives

Bức ảnh chưa được xử lý này cho thấy những đặc điểm tron khí quyển Sao Thổ được quan sát ở khoảng cách gần nhất từ trước tới nay. Hình ảnh được chụp bởi tàu không gian Cassini trong lần đầu tiên đi sâu vào gần hành tinh hôm 27/4.

 

Khe hở giữa các vành và tầng trên của khí quyển Sao Thổ rộng khoảng 2.000 km. Những mô hình tốt nhất cho khu vực này gợi ý rằng nếu có các mảnh vụn của vành đai ở khu vực Cassni băng qua thì chúng phải rất nhỏ, chỉ như những hạt khói. Tàu không gian đã băng qua khu vực này với vận tốc khoảng 124.000 km/h so với hành tinh, do đó những hạt nhỏ một khi va chạm những khu vực nhạy cảm cũng có thể làm nó dừng hoạt động.

Để có biện pháp bảo vệ, tàu không gian đã sử dụng ăng-ten lớn dạng đĩa có đường kính 4 mét như một lá chắn và hướng nó về phía các hạt đến từ các vành đai. Điều này có nghĩa là Cassini sẽ không liêc lạc được với Trái Đất trong suốt thời gian đi xuyên qua khe hở giữa Sao Thổ và vành đai. Sự kiện này diễn ra vào lúc 16h ngày 26/4 (giờ Việt Nam). Cassini được lập trình để thu thập dữ liệu khoa học trong khi đến gần hành tinh và sau 20h kể từ lúc vượt qua khe hở giữa Sao Thổ và vành đai, nó hướng về Trái Đất để liên lạc.

Lần bay tiếp theo của Cassini qua khe hở giữa Sao Thổ và các vành của nó được lên kế hoặc vào ngày 2 tháng 5.

Được phóng vào năm 1997, Cassini đã đến Sao Thổ vào năm 2004. Sau lần bay đến gần Titan – vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ vào ngày 22/4 thì Cassini đã bắt đầu sứ mệnh mà các nhà hoạch định gọi là “Trận chung kết lớn” (Grand Finale). Trong chương cuối cùng này, Cassini bay quanh Sao Thổ khoảng mỗi tuần một lần và sẽ thực hiện 22 lần đi qua khe hẹp giữa Sao Thổ và các vành của nó. Những dữ liệu thu thập được từ lần bay đầu tiên này sẽ giúp các kỹ sư hiểu được liệu rằng và bằng cách nào họ sẽ cần phải bảo vệ tàu không gian trong những lần lượn tiếp theo. Theo kế hoạch, Cassini cuối cùng sẽ lao vào bầu khí quyển Sao Thổ và kết thúc sứ mệnh của mình vào ngày 15 tháng 9 năm 2017.

Để biết thêm thông tin về “Trận chung kết lớn” của Cassini (gồm hình ảnh và video), bạn truy cập vào link sau: https://saturn.jpl.nasa.gov/grandfinale

Mỹ Linh
Theo Science Daily