New Year

Con người trong suốt lịch sử đã bắt đầu năm mới của mình vào rất nhiều ngày khác nhau. Ngày mùng 1 tháng 1 hàng năm là phổ biến nhất đối với hầu hết nền văn minh phương Tây, và rồi lan rộng ra khắp thế giới. Nhưng nếu như chặng đường hai thiên niên kỷ vừa qua của nhân loại đã diễn ra khác một chút thì có lẽ chúng ta đã đón năm 2021 ở một thời điểm bất kỳ nào đó.

(Bài viết này được dịch và hiệu đính từ một bài đăng trên Astronomy.com)

Lễ đón năm mới đầu tiên được ghi nhận là từ nền văn minh Lưỡng Hà, nơi mà cách đây 4000 năm những người Babylon cổ đại đã tổ chức lễ hội kéo dài 11 ngày có tên là Akitu vào dịp xuân phân. Đây là thời điểm gần cuối tháng 3, ,khi mà ngày và đêm dài bằng nhau, đó là một lựa chọn năm mới khá phổ biến ở nhiều nền văn minh. Những xã hội khác, trong đó có người Ai Cập, Ba Tư và Phoenicia thì chọn ngày thu phân - gần cuối tháng 9. Trong khi đó người Hy Lạp lại chọn ngày đông chí vào tháng 12.

Tại sao mà trong số tất cả những lựa chọn phổ biến đó thì ngày mùng 1 tháng 1 lại xuất hiện và trở thành ngày đón năm mới phổ biến của thời hiện đại?

 

Sự lộn xộn của lịch

Câu chuyện bắt đầu từ người La Mã. Khác với những người đi trước, họ không gắn năm của mình với một sự kiện thiên văn nào đó. Thay vào đó, lịch của thể chế mang tính cộng hòa này được tính từ ngày bầu ra cơ quan cao nhất khi đó là các quan chấp chính (gồm hai người). Theo truyền thống, ban đầu ngày bắt đầu năm mới này được chọn là ngày Ides tháng Ba - một ngày giữa tháng ba (ngày 15), tháng mà người La Mã đặt theo tên thần chiến tranh Mars. Tuy nhiên, vào năm 154 trước Công Nguyên (TCN), để đối mặt với cuộc nổi dậy ở Tây Ban Nha, viện nguyên lão đã quyết định bầu ra hai quan chấp chính sớm hơn một chút, và ngày được chọn là ngày mùng 1 tháng 1 ngày nay.

Tuy nhiên, lịch La Mã vẫn còn một thứ cần sửa đổi, cụ thể là 10 ngày bị thiếu. Lịch của La Mã chỉ đếm 355 ngày, tức là ngắn hơn một chu kỳ quỹ đạo của Trái Đất (hiển nhiên, khi đó người ta không biết Trái Đất di chuyển quanh Mặt Trời nên thực chất đó là chu kỳ để Mặt Trời trở lại vị trí cũ trên bầu trời).

"Điều đó dẫn tới nhiều vấn đề," theo Nikolaus Overtoom - một chuyên gia về lịch sử Địa Trung Hải cổ đại ở Đại học bang Washington. "Lịch của bạn sẽ trôi rất nhanh."

Để điều chỉnh cho đúng, các đại tư tế La Mã đã ban hành thêm mộ tháng gọi là Mercedonius. Theo lý thuyết, nó được chèn vào để sao cho đuổi kịp khoảng thời gian bị thiếu do chênh lệch giữa lịch và chu kỳ của năm Mặt Trời. Tuy nhiên, trên thực tế thì cuối cùng việc này lại thành công cụ để các đại tư tế tham nhũng bằng cách thao túng lịch theo cách của họ để kéo dài thời hạn mà họ có với các đồng minh.

"Đó là một hệ thống rất khó tính toán và rất dễ bị lạm dụng," Overtoom nói.

 

Cuộc cách mạng Julius

Vào thời điểm mà Julius Caesar nắm quyền ở Rome - năm 46 TCN, ông phải đối mặt với không chỉ một cuộc nội chiến mà còn cả một cuộc khủng hoảng về thời gian. Vì bị sửa đổi trong nhiều thế kỷ, lịch của La Mã vào lúc đó đã rơi vào sự lộn xộn đến vô vọng. Để giải quyết việc này, nhà độc tài đã cho mời Sosigenes - một triết gia ở Alexandria mà ông đã gặp khi tới thăm Ai Cập trong chiến dịch quân sự của mình (cũng như vì mối tình với nữ hoàng Ai Cập là Cleopatra).

Mượn ý tưởng có sẵn từ quê hương của mình, Sosigenes đã giới thiệu loại lịch 365 ngày. Một trong những điểm nổi bật của nó là ngày nhuận được đưa vào 4 năm một lần để đuổi kịp thực tế là năm Mặt Trời dài hơn một chút so với 365 ngày. Ptolemy III Euergetes của Ai Cập đã cố gắng đưa nó vào nhưng thất bại tại Ai Cập vì thần dân của ông phản đối sự bổ sung bất thường này.

Hệ thống mới của Rome bảo toàn nhiều phần trong lịch trước đó, bao gồm cả hệ thống 12 tháng cùng tên của chúng (trừ tháng 7 sau đó được đổi tên theo tên của Julius Caesar (July) còn tháng 8 đổi theo tên của Hoàng đế sau đó là Augustus (August)). Nó cũng giữ nguyên ngày đón năm mới là mùng 1 tháng 1. Việc đó vừa để bảo tồn truyền thống, vừa để ca ngợi thần Janus - vị thần hai mặt biểu tượng của sự khởi đầu.

Đọc tham khảo thêm bài: Ý NGHĨA CỦA TÊN CÁC THÁNG TRONG NĂM.

Sau năm 46 TCN (một năm đặc biệt vì nó kết thúc khi mới có 445 ngày), năm tiếp theo là năm 45 TCN, khởi đầu của lịch Julius (cũng lấy theo tên của Caesar). Người La Mã đã để lại di sản này cho các thế hệ sau và mô hình này đã thống trị hệ thống tính thời gian của phương Tây trong 16 thế kỷ. Tuy nhiên, cuối cùng thì nó vẫn chưa hoàn hảo.

 

Đặt lại đồng hồ

Lỗi chính của lịch như nêu trên là nó mặc nhiên rằng một năm có (trung bình) 365,25 ngày. Những tính toán sau này cho ra một kết quả chính xác hơn là 365,2422 ngày. Phần thập phân đó tương ứng với 5 giờ 48 phút và 46 giây (chứ không phải tròn 6 giờ).

"Một phần nhỏ bé đó có vẻ không có gì to tát," Overtoom nói. "Nhưng nếu bạn cộng gộp hàng trăm năm lại, nó sẽ là vấn đề lớn."

Về cơ bản, lịch Julius chạy nhanh thêm 11 phút mỗi năm, trong suốt 1600 năm.

Việc đó làm cho thế kỷ 16 bị chệch ít nhất là 10 ngày, khiến Giáo hoàng Gragory XIII rơi vào tình thế khó xử.

Lễ Phục sinh - một ngày lễ cực kỳ quan trọng đối với tất cả Kitô hữu, bao gồm cả Giáo hội Công giáo - được tính dựa trên lần Trăng tròn đầu tiên sau thời điểm xuân phân, rơi vào ngày 20 hoặc 21 tháng 3. Nhưng qua từng năm, điểm xuân phân thực sự đến ngày càng muộn so với ngày mà nó cần có trong lịch. Giáo hoàng nhận ra rằng nếu không có điều chỉnh nào thì sau này những người Công giáo sẽ đón lễ Phục sinh không đúng mùa.

Năm 1582, Giáo hoàng quyết định hành động. Các nhà thiên văn đã bỏ đi 10 ngày của năm đó để điều chỉnh lịch Julius thành lịch Gregory (lấy theo tên của Giáo hoàng). Đồng thời, họ điều chỉnh lại qui tắc tính năm nhuận thành qui tắc mà chúng ta vẫn dùng cho tới tận ngày nay. Qui tắc bổ sung đó là sẽ không có ngày nhuận trong những năm tròn thế kỷ (thông thường các năm có số năm chia hết cho 4 đều là năm nhuận) - chẳng hạn năm 1700, 1800, trừ những năm chia hết cho 400. Như thế có nghĩa là năm 2000 là năm nhuận, còn năm 1900 và năm 2100 thì không.

Trong suốt thời Trung cổ, sau sự sụp đổ của đế chế La Mã, lễ kỷ niệm năm mới tiếp tục được lan rộng ra khắp châu Âu. Nhiều quốc gia theo Thiên Chúa điều chỉnh nó thành ngày 25 tháng 3 (lễ Truyền tin) hoặc thành ngày Giáng sinh để phù hợp với tôn giáo của họ. Những biến thể đó kết thúc khi Gregory ban hành lịch mới và ấn định ngày đón năm mới là mùng 1 tháng 1 như cũ, và như chúng ta biết ngày nay.

 

Khớp thời gian

Một lần nữa, hệ thống mới lại vượt xa hệ thống cũ về độ chính xác. Phần lớn vùng Công giáo của châu Âu - trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Italia - chấp nhận việc này ngay tức khắc. Nhưng một số nước khác đã từ chối việc này trong hàng thế kỷ. Đó hầu hết là các quốc gia theo Tin Lành hoặc Chính thống giáo phương Đông. Họ cảm thấy miễn cưỡng khi chấp nhận sự thay đổi từ Công giáo. Dù vậy, lịch Gregory dần tiếp cận và thay đổi từng nền văn hóa vì sự chính xác không thể chối cãi của nó. Nước Anh và các thuộc địa Mỹ cuối cùng cũng chấp nhận biến đổi này vào năm 1752, ngày mùng 2 tháng 9 được đổi thành 14 tháng 9 (vào thời điểm đó, độ dịch chuyển cần có là 11 ngày). Một số người còn đổi cả ngày sinh của mình cho đúng với lịch mới.

Một số quốc gia chống lại sự thay đổi này lâu hơn. Nước Nga phải đợi tới tận năm1918 mới thay đổi, sau khi đến dự Olympics 1908 ở London chậm tới 12 ngày vì sai lịch. Nga cũng chỉ là một trong số những làn sóng thay đổi cuối cùng, khi mà sau đó thì nhiều quốc gia hợp thành Liên Xô sau này đã sử bắt đầu sử dụng loại lịch "chẳng còn mới chút nào" này sau cách mạng Bolshevik. Hy Lạp bắt đầu dùng lịch này còn muộn hơn, 1923; còn Trung Quốc là 1929. Tận gần 100 năm sau đó, chính xác là 2016, A-rập Xê-út cuối cùng cũng gia nhập vào cộng đồng này.

Tất nhiên, một số quốc gia sử dụng lịch Gregory vẫn kỷ niệm năm mới theo truyền thống của họ (chặng hạn như Việt Nam và một số nước phương Đông vẫn kỷ niệm Tết Nguyên Đán theo Âm lịch). Nhưng cuối cùng, ngày mùng 1 tháng 1 theo cách tính ngày nay là chung nhất và nó là kết quả của một giai đoạn lịch sử kéo dài hơn hai thiên niên kỷ.

 

Nhìn lại và hướng tới

Tạm đặt toàn bộ câu chuyện vừa rồi qua một bên, nhà sử học quá cố người Anh là A. F. Pollard vào năm 1940 đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có gì còn bị bỏ sót hay không, khi mà ngày đón năm mới rơi vào rất gần sau ngày đông chí - thời điểm trong thiên văn được rất nhiều nền văn minh cổ đại tôn sùng?

Có bằng chứng cho thấy nhiều nền văn hóa đã kỷ niệm năm mới của họ cùng nhiều lễ hội khác quanh mốc thời gian này, khi mà khoảng thời gian chiếu sáng của Mặt Trời xuống thấp nhất và bắt đầu dài dần ra, báo trước sự trở lại của mùa xuân và một vụ mùa mới. Đó là thời điểm thích hợp để nhìn lại một chu kỳ và hướng tới chu kỳ mới, giống như hai khuôn mặt của thần Janus.

Theo Pollard thì mối liên hệ này "gợi ý rằng có ít nhất một khả năng về ngày đầu năm này có thể xuất phát từ một chủng tộc nào đó trước La Mã". Có lẽ, mỗi khi chúng ta bắt đầu bước ra vào sớm ngày mùng 1 tháng 1 hàng năm, chúng ta đang lưu truyền một di sản lâu đời và sâu sắc hơn của nhân loại.

Đặng Vũ Tuấn Sơn
Dịch và hiệu đính thêm từ bài của Cody Cottier trên Astronomy.com

 

Độc giả có thể tìm hiểu thêm về riêng Âm lịch của phương Đông qua bài sau: ÂM LỊCH DỰA TRÊN CƠ SỞ THIÊN VĂN NÀO?