Tsunami

Mặt Trời thỉnh thoảng có những vết đen mà khi bùng nổ có thể giải phóng ra năng lượng gây nên những cơn bão Mặt Trời, tạo ra các tia plasma mang theo các hạt tích điện có thể gây rối nghiêm trọng tới các vệ tinh, internet và hệ thống GPS trên Trái đất. Với sức mạnh hủy diệt đến từ những cơn bão lửa này, nó có thể gây ra sóng thần trên Trái Đất được không?

Câu trả lời ngắn gọn là không trực tiếp. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA, USA), để sóng thần có thể xảy ra trên Trái Đất, phải có một trận động đất lớn xảy ra bên dưới đáy đại dương và tạo thành một đợt sóng khổng lồ và cực nhanh lao xuyên qua toàn bộ cột nước. Những trận động đất có thể được hình thành từ chuyển động của các mảng kiến tạo khiến núi lửa phun trào và các thành phố “run rẩy”. Tuy những ảnh hưởng từ các cơn gió plasma tới từ những quầng lửa Mặt Trời hoặc những vụ phun trào nhật hoa (CME) có vẻ rất đáng sợ, nhưng những lực đó không thể trực tiếp gây ra một cơn sóng thần từ đáy đại đương.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng bão Mặt Trời có thể gián tiếp dẫn đến sóng thần trên Trái đất.

Các nhà khoa học đồng ý rằng bão Mặt Trời có thể tạo ra sóng xung kích kiểu sóng thần hoặc "sóng thần Mặt Trời" tàn phá chính Mặt Trời chứ không phải Trái đất, theo báo cáo của NASA vào năm 2006, hiện tượng này được đài quan sát STEREO của họ phát hiện. Sóng xung kích này , còn được gọi là sóng Moreton, đủ mạnh để nén và đốt nóng hydro và các khí khác trong Mặt Trời cho đến khi toàn bộ ngôi sao cháy sáng hơn. Điều này xảy ra chỉ trong vài phút.

 

Đài quan sát Động lực học Mặt Trời của NASA đã chụp được hình ảnh này về một quầng lửa Mặt Trời cấp X2.0 bùng phát ở phía dưới bên phải của Mặt Trời vào ngày 27 tháng 10 năm 2014. Hình ảnh cho thấy sự pha trộn của ánh sáng tử ngoại có bước sóng 131 và 171 angstrom. (Tín dụng hình ảnh: NASA / SDO)

 

Một số đợt bùng phát năng lượng Mặt Trời dữ dội đến mức chúng có thể để lại dấu ấn trên Trái Đất, một nhóm các nhà nghiên cứu đã khai quật được bằng chứng về bụi phóng xạ rơi xuống Greenland hơn 9.000 năm trước trong một nghiên cứu năm 2022 trên tạp chí Nature. Các hạt bị gió Mặt Trời cuốn vào đã bị mắc kẹt trong các lõi băng mà sau đó đã được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Sự kiện lớn đặc biệt này không gây ra sóng thần, nhưng một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Scientific Reports đã mô tả mối liên hệ có thể có giữa bão Mặt Trời và động đất lớn trên Trái Đất - nguyên nhân chủ yếu gây ra sóng thần.

Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi Vito Marchitelli, chuyên gia phân tích vệ tinh tại Đại học Basilicata, Potenzo, Italy đã viết trong nghiên cứu: "Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa các trận động đất lớn trên toàn thế giới và mật độ proton gần từ quyển, do gió Mặt Trời gây ra. Kết quả này cực kỳ quan trọng đối với nghiên cứu địa chấn học và các tác động có thể có trong tương lai đối với dự báo động đất."

Các cơn bão Mặt Trời ảnh hưởng đến Trái Đất là kết quả của các quầng lửa hoặc các CME, thường xảy ra khi từ trường trên Mặt Trời bị rối hoặc gián đoạn. Cả hai hiện tượng trên đều phát nổ với một lượng năng lượng khổng lồ và gửi những cơn gió Mặt Trời cường độ cao bay vào không gian. Theo NASA, khi các hạt tích điện trong gió Mặt Trời đến Trái Đất và tương tác với tầng điện ly - phần ngoài cùng của bầu khí quyển của chúng ta ở rìa không gian - chúng có thể khiến tín hiệu vệ tinh và GPS bị trục trặc. Nhưng một tương tác với từ quyển có thể làm được nhiều hơn thế. Từ quyển của Trái Đất nằm xa hơn so với tầng điện ly. Đây là khu vực trong không gian bao quanh hành tinh nơi từ trường có tác động đặc biệt mạnh, và nó được tạo hình bởi gió Mặt Trời tác động vào đó.

 

Hình minh họa về từ trường của Trái Đất (Nguồn ảnh: alxpin, Getty Images)

 

Marchitelli và các đồng nghiệp của ông đề xuất rằng các hạt trong gió Mặt Trời va vào từ quyển có thể tác động đến cường độ của động đất. Các nhà nghiên cứu tin rằng những hạt này có khả năng liên quan đến chuyển động của mảng kiến tạo vì điện của chúng có thể làm trầm trọng thêm một sự xáo trộn hiện có, chẳng hạn như sự hút chìm, trong đó mảng kiến tạo này bị đẩy xuống dưới mảng kiến tạo khác. Họ lý luận rằng càng có nhiều proton trong gió Mặt Trời làm rung chuyển từ quyển, chúng càng có khả năng làm trầm trọng thêm các trận động đất, một số trong số đó có thể gây ra sóng thần.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Marchitelli đã không xem xét số lượng sóng thần trong các giai đoạn gió Mặt Trời cao và thấp, vì vậy việc này vẫn chỉ là một ý tưởng.

Có nhiều bằng chứng hỗ trợ hơn cho ý tưởng này. Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Scientific Research, đã quan sát thấy rằng số lượng các trận động đất tăng lên trong thời gian cực đại của Mặt Trời - khoảng thời gian trong chu kỳ 11 năm của Mặt Trời khi nó hoạt động mạnh nhất và có nhiều khả năng giải phóng gió Mặt Trời, làm cong hình dạng của từ trường Trái Đất. Điều này có thể gây thêm áp lực lên lớp vỏ bằng cách đẩy từ trường của Trái Đất chống lại các mảng kiến tạo nằm bên dưới, ảnh hưởng đến các trận động đất gây ra sóng thần.

Hiện tại, những phát hiện này vẫn còn gây tranh cãi. Trong một bài phản bác năm 2012 được công bố trên Scientific Research, các nhà địa vật lý lập luận rằng mối quan hệ giữa động đất và bão Mặt Trời vẫn chưa thể được chứng minh.

Họ viết trong nghiên cứu: “Ảnh hưởng của hoạt động Mặt Trời lên động đất là một hiện tượng khó nắm bắt.”

Vì vậy, các cơn bão Mặt Trời - vốn dĩ đáng sợ hơn nhiều khi ở gần Mặt Trời hơn - không trực tiếp gây ra sóng thần trên Trái Đất. Hoạt động kiến tạo thường xuyên vẫn tiếp tục bất kể hoạt động của gió Mặt Trời. Tuy nhiên, liệu các hạt do gió Mặt Trời phóng ra có thực sự có thể gây tác động bất kỳ nào lên mảng kiến tạo hay không vẫn còn là một bí ẩn.

Goneww
Theo Live Science.