binary system

Lần đầu tiên, các nhà khoa học khám phá ra một hệ sao kép mà trong tương lai sẽ phát nổ thành một "kilonova" rực lửa - một vụ nổ dữ dội tạo ra các loại nặng do sự hợp nhất của hai ngôi sao chết.

Kilonova có thể tạo ra và ném vào không gian những kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim và nhiều nguyên tố nặng hơn nữa. Phải hàng triệu năm, sự kiện dạng này mới xảy ra một lần. Các nhà khoa học chưa từng được chứng kiến trực tiếp hiện tượng này, nhưng việc phát hiện ra một hệ đang trong giai đoạn đợi tới thời điểm đó cũng là một điều rất đặc biệt. Hệ này gồm một sao khối lượng lớn và một sao neutron đặc được khóa quỹ đạo cùng nhau. Các nhà thiên văn học ước tính rằng có chưa tới 10 hệ như vậy trong thiên hà của chúng ta.

André-Nicolas Chené, nhà thiên văn học làm việc tại trung tâm NOIRLab thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: "Chúng tôi biết rằng Milky Way có chứa ít nhất 100 tỷ ngôi sao và thậm chí có thể nhiều hơn con số đó hàng trăm tỷ nữa. Hệ sao đáng chú ý này thuộc loại 10 tỷ mới có một. Trước nghiên cứu của chúng tôi, có ước tính cho rằng chỉ có một hoặc hai hệ như vậy trong Milky Way."

Kilonova là những vụ bùng nổ bức xạ điện từ khổng lồ sinh ra do sự sáp nhập của hai sao neutron - cái lõi đã co lại do sụp đổ hấp dẫn của các sao nặng - hoặc một sao neutron và một lỗ đen.

Chené và các đồng nghiệp đã sử dụng kính thiên văn SMARTS có đường kính 1,5 mét tại Đài quan sát Liên Mỹ Cerro Tololo đặt tại Chile để quan sát và khám phá ra hệ sao có ký hiệu CPD-29 2176 này, nằm cách Trái Đất khoảng 11.400 năm ánh sáng. Nhóm nhiên cứu đã xác định được rằng hệ này có một sao neutron nhỏ và đặc cùng với đồng hành của nó là một sao khối lượng lớn mà trong tương lai cũng sẽ sụp đổ thành sao neutron.

Đôi khi, các sao nặng phát nổ dưới dạng các supernova, nhưng sao neutron trong hệ này dường như là hệ quả để lại của một loại supernova đặc biệt mà các nhà khoa học gọi là supernova bị lột vỏ. Trong trường hợp này, một phần lớn khối lượng ở lớp ngoài của ngôi sao bị tước đi bởi ngôi sao đồng hành chia sẻ quỹ đạo với nó trước khi nó đi về cuối đời. Vì thế, khi ngôi sao sử dụng hết hydro trong lõi của nó, nó sụp đổ một cách chậm rãi và êm ả hơn, không xảy ra vụ nổ lớn và đẩy sao đồng hành khỏi quỹ đạo như trường hợp của những cặp sao thông thường.

Sao đồng hành khối lượng lớn tiếp tục mất khối lượng của nó vào không gian và đến cuối đời thì bản thân nó cũng sẽ sụp đổ sau khi trải qua giai đoạn supernova bị lột vỏ. Sau sự kiện đó, hệ còn lại hai sao neutron chuyển động trên quỹ đạo quanh nhau ở khoảng cách gần. Cuối cùng, chúng sẽ va chạm và hợp nhất, tạo ra một vụ nổ rực sáng được gọi là kilonova. Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả này của họ hôm mùng 1 tháng 2 trên tạp chí Nature.

Bryan
Theo Livesceince