1000 năm trước, một tia sáng rực rỡ lóe lên trên bầu trời, tới mức có thể nhìn thấy ngay cả vào ban ngày. Những nhà quan sát tại Mỹ và Trung Quốc khi đó đã nhìn thấy hiện tượng này, và ngày nay chúng ta biết rằng đó là vụ nổ cuối đời của một ngôi sao (một supernova) và nó để lại một đám khí khổng lồ ngày nay ta vẫn gọi là tinh vân Con Cua (M1, NGC 1952)...

 

Từ năm 1054 đến nay đã gần 1000 năm trôi qua và một lần nữa lại là tinh vân này làm kinh ngạc các nhà thiên văn vì sự chói sáng của nó. Các nhà thiên văn đã khám phá ra rằng bức xạ phát ra từ tinh vân này mang năng lượng lớn hơn nhiều lần tất cả các dự đoán trước đây. Họ đo được bức xạ gamma từ tinh vân này mang nặng lượng trên 100 tỷ electron volt (100 GeV), tức là gấp 1 triệu lần các tia X có thể xuyên qua cơ thể người vẫn được dùng tại bệnh viện và gấp 100 tỷ lần ánh sáng nhìn thấy.

"Nếu như một năm trước bạn hỏi các nhà lý thuyết rằng tia gamma có thể mang năng lượng đó không thì hầu hết họ sẽ trả lời "KHÔNG". Không có một lý thuyết nào có thể mô tả những gì chúng tôi đã tìm ra" - ý kiến của Martin Schroedter, trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tại Cambridge, Massachusetts.

Các tia gamma đến từ phần trung tâm của tinh vân Con Cua được biết tới là một pulsar, còn gọi là sao neutron, kết quả co lại của lõi những ngôi sao lớn về cuối đời. Chúng là những vật thể với khối lượng riêng rất lớn, đường kính chỉ vài tới vài chục km nhưng khối lượng còn lớn hơn Mặt Trời.

Với tốc độ quay tới 30 vòng mỗi giây, pulsar ở tâm của tinh vân Con Cua phát ra các bức xạ từ từ trường quay của nó. Mặc dù bức xạ này rất đều và ổn định nhưng do nó lệch pha với trục tự quay của thiên thể nên ta thu nhận nó không đều giống như ánh sáng phát ra từ một ngọn hải đăng trên biển.

Nepomuk Otte tại đại học California, Santa Cruz nói rằng nhiều người đã nói ông thật điên rồ khi quan sát một thiên thể cũ kĩ như pulsar này, nhưng sự kiên nhẫn đã giúp mang lại thành quả này. Nó sẽ đặt giới hạn mới cho mức năng lượng có thể phát ra của bức xạ gamma.

Năng lượng gamma này được thu lại bởi Hệ thống kính thiên văn tổ hợp dùng cho bức xạ năng lượng rất cao (VERITAS) đặt tại đài quan sát Smithsonian’s Whipple Observatory, phía Nam Tucson, Arizona. Nhiều kịch bản sẽ được đặt ra để giải thích hiện tượng này, tuy nhiên sẽ còn cần thêm nhiều dữ liệu khác nữa để hiểu về cơ chế tạo nên bức xạ gamma này.

VACA
Theo Astronomy.com