Mô hình chúng ta vẫn biết cho rằng Sao Thiên Vương (Uranus) đã bị tấn công bởi một vụ va chạm lớn dẫn đến trục nghiêng bất thường ngày nay. Nhưng với việc kết hợp với trục nghiêng của các vệ tinh của hành tinh này, nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng có thể nó đã trải qua ít nhất là hai va chạm nhỏ hơn va chạm đã dự đoán.

 

Trục tự quay của Sao Thiên Vương là đặc biệt nhất trong Hệ Mặt Trời, độ nghiêng của nó là 98 độ, trong khi con số này của các hành tinh khác đều khá nhỏ: Sao Mộc chỉ nghiêng có 3 độ, Trái Đất 23 độ, Sao Thổ và Sao Hải Vương 29 độ. Sao Thiên Vương không như các hành tinh khác, nó gần như nằm ngang trên quĩ đạo. Mô hình lâu nay chúng ta đã chấp nhận là hành tinh này đã chịu một cú va chạm lớn với một thiên thể lớn hơn Trái Đất vài lần làm nó lệch trục đi như hiện nay. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là: nếu như thế thì các vệ tinh của Sao Thiên Vương cần phải giữ nguyên trục ban đầu của nó, đằng này chúng cũng nghiêng 98 độ y như hành tinh mẹ.

Bí ẩn này đến nay đã được giải quyết bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế đứng đầu bởi Alessandro Morbidelli từ đài quan sát Cote d'Azur tại Nice, Pháp.

Morbidelli và các cộng sự đã sử dụng các mô hình giả lập, tái tạo lại nhiều kịch bản va chạm khác nhau. Họ phát hiện ra rằng nếu vụ va chạm xảy ra từ thời điểm hành tinh còn đang hình thành, bao quanh bởi đĩa bụi tiền hành tinh (nơi sẽ hình thành các vệ tinh sau này) thì mặt phẳng chính của nó thay đổi thành độ nghiêng như ngày nay, đó mới là kịch bản hợp lý giải thích cho độ nghiêng của cả Sao Thiên Vương cũng như các vệ tinh của nó.

Kịch bản giả lập còn dẫn ra một điều ngoài dự đoán, đó là với kịch bản như nêu trên thì các vệ tinh của Sao Thiên Vương sẽ phải chuyển động quĩ đạo theo hướng ngược với hướng mà chúng ta thấy ngày nay. Nhóm nghiên cứu đã phải thay đổi một vài thông số của kịch bản này và điều ngạc nhiên là nếu như không phải một mà ít nhất là 2 vụ va chạm nhỏ hơn đã xảy ra thì kết quả sẽ là mô hình của Sao Thiên Vương và các vệ tinh như hiện nay.

Nghiên cứu này không chỉ giải bài toán về Sao Thiên Vương, mà còn ảnh hưởng tới lý thuyết chung về sự hình thành các hành tinh lớn trong Hệ Mặt Trời. "Mô hình chuẩn về sự tạo thành hành tinh cho biết Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương cùng lõi của Sao Mộc, Sao Thổ được tạo thành do sự tích tụ dần dần vật chất vào thiên thể ở trung tâm của đĩa tiền hành tinh", Morbidelli nói, "Không có sự tham gia của các va chạm. Sự thật là Sao Thiên Vương đã chịu ít nhất là 2 va chạm, điều đó gợi ý rằng các va chạm phải đóng vai trò trong sự hình thành các hành tinh lớn. Như vậy, lý thuyết chuẩn hiện nay cần được sửa đổi"

VACA
Theo Astronomy.com