Trái ngược với cái tên quyến rũ của mình, Sao Kim (Venus - tên của nữ thần sắc đẹp) là một hành tinh tới từ địa ngục với khí quyển rất nóng, độc hại và nặng tới mức bất cứ vị khách nào đặt chân tới sẽ bị thiêu chảy, chết ngạt và nghiền nát cùng lúc. Nhưng không chỉ có thế, hành tinh thứ hai của Mặt Trời còn có tốc độ tự quay rất chậm, nếu có một người sống sót trên đó thì sẽ thật là khó chịu khi chờ đợi vì một ngày của nó dài tương đương với 243 ngày trên Trái Đất.

Nhưng sự việc không chỉ có thế, một phát hiện mới cho thấy ngày trê Sao Kim thậm chí còn tệ hơn nữa vì nó dài hơn con số mà người ta từng có. Một nhóm nghiên cứu tại đài quan sát Paris đã phân tích dữ liệu từ máy quang phổ trên tàu thám hiểm Sao Kim của châu Âu là Venus Express.

Nhóm nghiên cứu sử dụng một thiết bị gọi là VIRTIS để quét toàn bộ bề mặt của hành tinh bên dưới lớp khí quyển dày và đậm đặc ở dải sóng hồng ngoại và biểu kiến.

Các nhà thiên văn đã kinh ngạc khi họ so sánh kết quả thu được với bản đồ Sao Kim được vẽ trong những năm 1990-1994 bởi tàu Magellan của NASA.

Một điểm được đánh dấu đã bị lệch tới 20km so với vị trí nó được dự đoán.

Nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí Icarus rằng họ đã thực hiện các quan sát lặp đi lặp lại và phát hiện ra rằng chu kì quay của Sao Kim thay đổi mỗi 16 năm. Nghiên cứu này chỉ ra rằng cần thêm 6 phút rưỡi theo giờ Trái Đất vào chu kì hiện tại của Sao Kim.

"Ở qui mô thiên văn học, đây là một thay đổi lớn" Pierre Drossart cho biết

Các nhà thiên văn đặt giả thuyết rằng khí quyển dày đặc của Sao Kim đã làm chậm lại chuyển động của hành tinh. Sao Kim có khí quyển dày 100km với 96% là carbon dioxide (CO2) chuyển động thành những cơn gió với vận tốc 350km/h.

Áp suất khí quyển trên hành tinh này lớn gấp 92 lần trên Trái Đất, tương đương với áp suất ở độ sâu 900 mét dưới đáy đại dương.

Việc làm chậm sự quay của hành tinh do khí quyển cũng xảy ra trên Trái Đất nhưng nó rất chậm, chỉ một phần rất nhỏ của giây nên khó có thể nhận thấy. Vậy liệu rồi sẽ có một lúc Sao Kim dừng quay và thậm chí quay theo chiều ngược lại?

"Điều là khó có thể khẳng định vì chúng tôi chỉ có hai điểm để đo" Drossart nói "nhưng các mô hình lý thuyết gợi ý rằng đây chỉ là một hiện tượng mang tính chu kì. Nếu khí quyển tăng vận tốc thì hành tinh sẽ quay chậm lại. Rồi khi nó đổi chiều thì sẽ ngược lại như hiệu ứng con lắc vậy"

VACA
(Theo Space Daily)