Các nhà thiên văn học vừa nêu ra một giả thuyết mới về hoạt động của lỗ đen. Làm sao mà chúng có thể trở nên quá lớn, dường như chúng là những kẻ quá phàm ăn, đưa liên tiếp thức ăn vào miệng mình và thậm chí ăn nhiều món cùng một lúc.

Các nhà nghiên cứu tại Anh và Australia đã tiến hành điều tra về nguyên nhân của sự tăng khối lượng quá nhanh của nhiều lỗ đen, làm cho chúng có thể có khối lượng bằng hàng tỷ lần khối lượng của Mặt Trời.

Giáo sư Andrew King từ cơ quan Vật lý và Thiên văn, đại học Leicester nói: "hầu hết các thiên hà đều có một lỗ đen vô cùng nặng tại trung tâm của nó. Thiên hà của chúng ta, Milky Way, cũng có một lỗ đen như vậy với khối lượng khoảng 4 triệu lần khối lượng của Mặt Trời. Nhưng một số thiên hà có những lỗ đen còn nặng hơn như thế hàng nghìn lần. Chúng ta biết rằng chúng đã lớn lên rất nhanh sau vụ nổ Big bang"

"Những lỗ đen cực nặng này đã đủ lớn từ khi vũ trụ còn rất trẻ, chỉ chưa tới 1 phần 10 tuổi hiện nay của nó"

Các lỗ đen lớn lên bằng cách hút khí, nó tạo thành một cái đĩa xung quanh và xoáy vào bên trong, nhưng như thế thì lỗ đen sẽ lớn rất chậm chứ không thể lớn tới khốiluwowngj nói trên dù là với tuổi của vũ trụ. "Chúng tôi cần có một cơ chế nhanh hơn", Chris Nixon tại Leicester cho biết "chúng tôi tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu khí đến từ các hướng khác nhau"

Nixon, King và đồng nghiệp Daniel Price ở Australia đã thực hiện một mô hình máy tính trong đó có hai đĩa khí cùng xoay quanh lỗ đen ở hai góc khác nhau. Sau một khoảng thời gian ngắn, các đĩa mở rộng ra và va chạm với nhau, một phần rất lớn khí rơi vào lỗ đen. Theo tính toán của họ thì lỗ đen có thể lớn nhanh gấp 1000 lần theo cách này.

Điều này có thể giúp giải thích cho khối lượng quá lớn của các lỗ đen. Hiện nay hai lỗ đen lớn nhất từng được khám phá mỗi cái có khối lượng khoảng 10 tỷ lần khối lượng Mặt Trời.

Nghiên cứu này được công bố trong Thông báo hàng tháng của Hội thiên văn Hoàng gia (Anh). Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng khoa học và công nghệ Anh.

VACA
(Theo Science Daily)