Như chúng tôi đã thông tin từ đầu năm, ngày 15 tháng 4 tới người yêu thiên văn sẽ có cơ hội lý tưởng nhất để quan sát Sao Thổ, hành tinh được coi là đáng để quan sát nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó sẽ ở vị trí gần Trái Đất nhất có thể trên quĩ đạo của mình.

Các hiện tượng thiên văn có thể quan sát tại Việt Nam năm 2012

Sao Thổ là một hành tinh đặc biệt với những bí ẩn mà đến ngày nay chúng ta vẫn không ngừng cố gắng khám phá. Với những người quan sát thiên văn thì đây cũng là một mục tiêu thú vị vì vẻ đẹp đặc biệt của nó. Qua các kính thiên văn, Sao Thổ hiện ra là một khối cầu màu vàng sẫm với cái vành (ring) rực rữ bao quanh xích đạo của nó.

Vào ngày 15 tháng 4 này, Sao Thổ sẽ nằm ở vị trí gần Trái Đất nhất. Có nghĩa là nó nằm ở vị trí đối diện với Mặt Trời mà Trái Đất nằm ngăn cách ngay ở giữa. Tại vị trí này, Sao Thổ chỉ cách chúng ta 1,3 tỷ km, và cũng là vị trí mà từ Trái Đất quan sát chúng ta sẽ thấy nó nhận được nhiều ánh sáng Mặt Trời nhất. Trên bầu trời đêm ngày 15 cũng như ngay những ngày lân cận như ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy nó là một đốm sáng rực rỡ, có vị trí trong chòm sao Virgo, ngay gần ngôi sao Spica của Virgo. Nó rất rất dễ nhận ra ngay cả với những người ít quan sát thiên văn. Vào các tối tháng 4 này, chỉ cần nhìn về bầu trời phía Đông khi trời bắt đầu tối (khoảng 18h30) bạn sẽ thấy một ngôi sao sáng nhất đang mọc lên phía thấp gần chân trời. Đến giữa buổi tối nó đã mọc khá cao và cứ nhìn về phía đó thì ngôi sao nào sáng nhất chính là Sao Thổ. Tới gần đêm, Sao Thổ sẽ lên cao nhất và sau đó lại di chuyển dần về bầu trời phía Tây trước khi lặn xuống dưới chân trời vào rạng sáng hôm sau.


Vị trí của Sao Thổ đêm 15 tháng 4 (nguồn hình ảnh: Astronomy.com)

Với một ống nhòm hay kính thiên văn nghiệp dư cùng điều kiện thời tiết cho phép (không mưa, ít mây) bạn cũng có thể quan sát phần nào hình dạng của hành tinh này. Với những kính thiên văn nghiệp dư với độ phóng đại tương đối tốt thì hành tinh này sẽ hiện ra với cả màu sắc và cái vành tương đối rõ.


Sao Thổ qua kính thiên văn

 



Đây thực sự là một cơ hội hiếm có để người yêu thích thiên văn quan sát thiên thể tuyệt đẹp này.

Đặng Vũ Tuấn Sơn (VACA)