Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã chụp được hình ảnh của cực quang trên hành tinh băng khổng lồ Uranus, hay chúng ta vẫn biết tới là Sao Thiên Vương, thêm một bằng chứng cho sự kì lạ của một hành tinh xa xôi. Phát hiện này được thực hiện bởi một chương trình quan sát của kính thiên văn không gian Hubble, nó đã cho thấy những chấm sáng khá mờ nhạt trên Sao Thiên Vương, giống như vùng sáng đầy màu sắc vẫn thường xuất hiện trên bầu trời vùng cự của Trái Đất.

Trong các quan sát mới, các nhà nghiên cứu hai lần phát hiện sự có mặt của các điểm sáng trên phần nhìn thấy của Sao Thiên Vương. trước đây, việc phát hiện cực quang của các hành tinh khác chỉ có thể thực hiện bằng các tàu không gian khi nó bay qua hành tinh, đây chính là lần đầu tiên các nhà khoa học thu được hình ảnh cực quang của một hành tinh nhờ sử dụng kính thiên văn. Khác với cực quang trên Trái Đất có thể làm cho bầy trời chuyển sang xanh và tím trong hàng giờ liền, cực quang mới được phát hiện trên Sao Thiên Vương chỉ kéo dài có vài phút.

Bản chất cực quang gây ra bởi từ trường của các hành tinh. Ví dụ như ở Trái Đất, cực quang sinh ra do dòng hạt mang điện cường độ cao ở Mặt Trời khi đi tới Trái Đất thì theo các đường sức từ của Trái Đất mà bị cuốn vào cực của Trái Đất, va chạm với các nguyên tử khí ở tầng cao khí quyển, ion hóa và kích thích chúng phát ra ánh sáng. Điều này cũng xảy ra tương tự ở nhiều hành tinh khác trong đó có Sao Thiên Vương.

Tuy nhiên Sao Thiên Vương có từ trường rất yếu so với Trái Đất hay thậm chí Sao Mộc, Sao Thổ và do đó cực quang của nó là rất mờ nhạt. Lần duy nhất giúp các nhà khoa học biết được từ trước rằng hành tinh này có cực quang là qua kết quả quang phổ từ của Voyager 2 khi nó bay ngang hành tinh này năm 1986.

Phát hiện này là kết quả của một kế hoạch đã được lên từ trước với một chút may mắn. Năm 2011 Trái Đất, Sao Mộc và Sao Thiên Vương nằm thẳng hàng và do đó gió Mặt Trời mang theo các hạt mang điện quét lần lượt từ Trái Đất qua Sao Mộc và rồi Sao Thiên Vương. Giữa tháng 9 năm 2011, Mặt Trời sinh ra nhiều vụ nổ của các hạt mang điện, tạo thành một trận gió Mặt Trời lớn hướng về phía các hành tinh. Các nhà khoa học đã sử dụng các vệ tinh bay quanh Trái Đất để tính toán tốc độ của cơn gió này. Hai tuần sau, trận gió Mặt Trời này đạt vận tốc là 500km/giây, các nhà khoa học tính ra được thời điểm nó bắt đầu va chạm với Sao Thiên Vương là tháng 11 năm 2011, và họ bắt đầu sử dụng kính Hubble cho việc quan sát này.

Sao Thiên Vương chính là hành tinh khác thường nhất Hệ Mặt Trời với đặc điểm của trục quay và cực từ của nó. Các quan sát này sẽ mở ra cho chúng ta thêm nhiều hiểu biết mới về hành tinh này.

VACA
(theo AGU)

Đọc thêm về cực quang tại đây!