Các nhà khoa học tại đại học Oklahoma (OU) đã phát hiện ra hai sao lùn trắng được coi là già nhất và gần nhất mà chúng ta từng biết tới. Các nhà thiên văn học xác định rằng hai sao có tuổi thọ từ 11 tới 12 tỷ năm này chỉ cách Trái Đất khoảng 100 năm ánh sáng. Đây là các sao gần nhất trong số các sao già ra đời sớm ngay sau Big Bang từng được biết tới.

Mukremin Kilic, phó giáo sư Vật lý và Thiên văn tại OU, dẫn đầu nhóm nghiên cứu mới đây đã công bố kết quả này. "Sao lùn trắng giống như chiếc lò đã tắt lửa, nó nguội dần theo thời gian và qua xác định nhiệt độ chúng tôi có thể biết chính xác nó đã nguội đi từ khi nào. Hai ngôi sao chúng tôi xác định được đã bắt đầu tắt cách đây hàng tỷ năm".

Kilic giải thích các sao lùn trắng đã phát nổ giải phóng năng lượng từ tâm của nó giống như Mặt Trời. Khoảng 5 tỷ năm nữa Mặt Trời của chúng ta cũng sẽ như vậy và trở thành sao lùn trắng.

Hai ngôi sao mới phát hiện được kí hiệu WD 0346+246 và SDSS J110217, 48+411315.4 (J1102), nằm lần lượt trong vị trí của chòm sao Taurus và Ursa Major. Kilic và đồng nghiệp đã phát hiện ra chúng qua các bức ảnh chụp tại dải sóng hồng ngoại của kính thiên văn không gian Spitzer.

Hai sao này có nhiệt độ bề mặt khoảng 3700 và 3800 độ. Kilic và các đồng nghiệp đã xác định được tuổi của chúng "giống như điều tra một vụ án mạng", qua xác chết của các ngôi sao, họ xác định được thời gian khi chúng bắt đầu tắt để tính ra tuổi thọ của chúng. Hai ngôi sao mới phát hiện này đã nằm đó gần như suốt lịch sử vũ trụ.

VACA
(theo Space Daily)