Nghiên cứu mới cho biết có hàng tỷ sao trong thiên hà của chúng ta đã bắt giữ những hành tinh lang thang đi qua gần chúng để đưa vào hệ thống của mình. Các hành tinh này giống như những kẻ bất hảo bị tống cổ khỏi gia đình nơi chúng sinh ra, và rồi một lúc nào đó có thể rơi vào một mái nhà khác với một ngôi sao khác. Phát hiện này có thể giải thích sự tồn tại của một số hành tinh với quĩ đạo xa đến đáng ngạc nhiên từ sao mẹ, và thậm chí cả sự tồn tại của các hệ hành tinh kép.

 

"Các ngôi sao mua bán hành tinh của mình như các đội bóng mua bán cầu thủ vậy", Hagai Perets tại trung tâm vật lý thiên văn Havard-Smithsonian nói.

Nghiên cứu được thực hiện bởi hai đồng tác giả là Perets và Thijs Kouwenhoven tại đại học Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ xuất hiện trong số ra ngày 20 tháng 4 của tạp chí Vật lý thiên văn.

Để đi tới kết luận này, Perets và Kouwenhoven đã sử dụng các mô hình giả lập các quần sao có sự có mặt của các hành tinh trôi tự do. Họ thấy rằng nếu số lượng hành tinh lang thang này bằng với số sao thì từ 3 tới 6 phần trăm số sao sẽ sớm bắt giữ lấy một hành tinh như vậy. Sao càng nặng, càng nhiều khả năng sẽ có hành tinh bị nó giữ lại.

Họ nghiên cứu các quần sao trẻ vì khả năng bắt giữ xảy ra cao hơn khi sao và hành tinh trôi tự do nằm trong cùng một khoảng không nhỏ. Theo thời gian, các sao trong quần bị phân tán và sẽ khó xảy ra việc một hành tinh bị giữ lại hơn.

Các hành tinh dạng này là hệ quả tự nhiên của quá trình tạo thành các hệ hành tinh. Khi hai hành tinh chưa nằm cố định va chạm với nhau,  một trong số chúng có thể bị đẩy khỏi hệ hành tinh ban đầu và nếu sau đó nó gặp một ngôi sao di chuyển với cùng hướng và vận tốc, nó có thể gia nhập vào thành một hành tinh của sao mới này.

Hành tinh bị giữ lại có thể nằm cách ngôi sao trung tâm của hệ gấp hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn lần so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời và cũng có thể có quĩ đạo và trục quay giống như các hành tinh sẵn có quanh sao mẹ mới này.

Các nhà thiên văn không phát hiện bất cứ trường hợp nào như trên trong thực tế vì để quan sát và xác minh liệu một hành tinh ở xa sao mẹ có chắc là do bị bắt giữ hay không là điều rất khó. Các nhà thiên văn đang cố gắng quan sát các hệ hành tinh quanh các sao nhỏ, vì với lực hấp dẫn nhỏ thì một hành tinh ở xa sẽ có nhiều khả năng hơn là từ nơi khác tới.

Bằng chứng rõ nhất đã có là kết quả từ đài quan sát tại Nam bán cầu của châu Âu công bố năm 2006 cho thấy hai hành tinh với khối lượng là 14 lần và 7 lần khối lượng của Sao Mộc chuyển động quanh nhau mà không có sự có mặt của sao.

Liệu bản thân Hệ Mặt Trời của chúng ta có một kẻ tị nạn nào đó nằm xa hơn rất nhiều so với Pluto hay không? Đến nay các nhà thiên văn vẫn đang thử tìm câu trả lời.

VACA
(theo Science Daily)