Một chương trình nghiên cứu vệ tinh của Sao Hỏa có thể mang về cho chúng ta sự sống của các sinh vật ngoài hành tinh, theo các chuyên gia của đại học Purdue, nhưng đó tất nhiên không phải những mối đe dọa như trong các bộ phim bom tấn mùa hè này như Men in Black 3 hay là Prometheus.

“Chúng tôi đang nói về những vi khuẩn xanh nhỏ bé, không phải những người da xanh nhỏ bé,” phát biểu của Jay Melosh, một giáo sư nổi tiếng về Trái Đất, khí quyển, khoa học hành tinh, vật lý, và thiết kế không gian vũ trụ tại Purdue. “Một mẫu từ vệ tinh Phobos, nơi chúng ta có thể đến dễ dàng hơn nhiều so với đến hành tinh đỏ, gần như sẽ chắc chắn chứa các vật chất của Sao Hỏa được bắn ra từ các vụ va chạm lớn với các tiểu hành tinh. Nếu sự sống trên Sao Hỏa đang tồn tại hoặc đã tồn tại trong vòng 10 triệu năm vừa qua, một chương trình nghiên cứu Phobos có thể mang về bằng chứng đầu tiên của chúng ta về sự sống ngoài Trái Đất.”

Melosh dẫn đầu nhóm nghiên cứu được chọn bởi Văn phòng Bảo vệ Hành tinh của NASA để đánh giá liệu một mẫu vật từ Phobos có thể chứa đủ vật liệu gần đây của Sao Hỏa để mang những sinh vật khả thi của Sao Hỏa. Nghiên cứu này được tiến hành trước đây để chuẩn bị cho con tàu không được phóng Phobos-Grunt của Nga năm 2011, nhưng sau đó đã có thêm sự chú ý của cộng đồng quốc tế về một chương trình cho Phobos, ông nói. Đây có thể sẽ là một chủ đề thường gặp khi NASA thiết kế lại Chương trình khám phá Sao Hỏa.

Một chương trình cho Phobos đã được đề cập tại Hội thảo Khái niệm và Cách thức khám phá Sao Hỏa của NASA và một bản báo cáo vào hôm 26 tháng 6 đã nói các vệ tinh Sao Hỏa là “những điểm đến quan trọng có thể đem lại các cuộc khám phá giá trị lớn với kinh phí và rủi ro thấp.”

Melosh đã hợp tác với Kathleed Howell, Giáo sư Hsu Lo về Chế tạo Hàng không và Du hành vũ trụ, sinh viên tốt nghiệp Loic Chappaz và Mar Vaquero trong dự án này.

Các nhà nghiên cứu đã kết hợp các ý kiến chuyên môn của họ về các mảnh vụn va chạm và các phương thức quỹ đạo để suy luận bao nhiêu vật chất đã bị thế chỗ bởi một số vụ va chạm nhất định và liệu những phân tử riêng lẻ này có hạ cánh trên Phobos, vệ tinh gần hơn trong 2 vệ tinh của Sao Hỏa.

Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng một mẫu vật 200 gram lấy được từ bề mặt Phobos sẽ chứa, trung bình 1 phần 10 của 1 miligam vật chất bề mặt Sao Hỏa hạ cánh ở đây trong vòng 10 triệu năm vừa qua và 50 tỉ phân tử riêng lẻ từ Sao Hỏa. Một mẫu vật tương tự cũng có thể chứa khoảng 50 miligam vật chất bề mặt Sao Hỏa trong 3,5 tỉ năm gần đây.

“Các khung thời gian là rất quan trọng vì chúng tôi tin rằng sau 10 năm tiếp xúc với lượng phóng xạ cao ở Phobos, bất cứ sinh vật nào cũng sẽ bị hủy diệt,” Howell nói, “Tất nhiên các mẫu vật Sao Hỏa lâu đời hơn sẽ vẫn chứa đựng nhiều thông tin, nhưng sẽ có ít nhiều mối quan tâm về việc mang một sinh vật về Trái Đất trong những điều kiện cách li cần thiết”.

Khi một tiểu hành tinh va chạm với bề mặt của một hành tinh, một lượng vật chất bề mặt sẽ bị bắn lên theo hình nón, giống sự tóe nước được tạo nên khi một người nhảy vào bể bơi. Những vụ va chạm khổng lồ này sẽ làm vỡ vụn các vật liệu bề mặt và làm bắn ra các mảnh với vận tốc rất lớn. Nhóm nghiên cứu đi đến tính toán rằng lượng mảnh vụn từ một vụ bắn ra như vậy trên Sao Hỏa sẽ gồm các phân tử khoảng 1 phần 100 milimet đường kính, hay 100 lần nhỏ hơn một hạt cát, nhưng tương đương kích thước với một vi khuẩn trên Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu đã dò theo các con đường có thể các hạt phân tử sẽ đi trong không gian khi chúng bị bắn ra từ bề mặt hành tinh, nghiên cứu vận tốc, góc bắn và lực quỹ đạo. Nhóm đã vẽ nên khoảng 10 triệu đường đi và dự đoán đường nào sẽ đi qua Phobos và chúng có thể hạ cánh ở đâu trên vệ tinh này trong quỹ đạo 8 giờ của nó quanh Sao Hỏa.

Xác suất một phân tử hạ cánh trên Phobos là còn tùy thuộc vào sức mạnh của vụ bắn ra đã phóng nó từ bề mặt, Chappaz nói.
“Theo dự đoán trong vòng 10 triệu năm gần đây đã có ít nhất bốn sự kiện va chạm đủ mạnh để phóng vật chất vào không gian, và chúng tôi đang tập trung vào một vài hố lớn trên bề mặt như những điểm phóng ban đầu,” ông phát biểu. “Hóa ra không quan trọng việc Phobos đang ở đâu trên quỹ đạo của nó, vệ tinh này cũng sẽ bắt được các vật liệu từ những vụ va chạm này.”

Sau khi nhóm nộp báo cáo, các nhà khoa học đã xác định một hố lớn, đường kính khoảng 60km trên Sao Hỏa. Hố này, tên là Mojave, được dự đoán là trẻ hơn 5 triệu năm tuổi, và sự tồn tại của nó gợi ý rằng sẽ có một lượng vật chất có thể chứa các sinh vật sống từ Sao Hỏa trên Phobos hơn dự đoán, Melosh nói.

“Hoàn toàn có thể rằng một mẫu vật sẽ chứa một sinh vật đang ngủ đông và sẽ thức giấc khi gặp những điều kiện thuận lợi trên Trái Đất,” ông nói. “Tôi đã tham gia một nghiên cứu và tìm ra các vi khuẩn sống có thể tồn tại các vụ phóng do va chạm của các tảng đá, và các nghiên cứu khác cũng chỉ rằng một số sinh vật vi khuẩn có thể tồn tại dưới một lượng lớn phóng xạ vũ trụ.”

Khả năng này đã được cân nhắc trong một khoảng thời gian, và bộ phim “Chuỗi Andromeda” của Michael Crichton đã mang nó tới dư luận từ 1969. Tuy nhiên viễn cảnh của một sự nhiễm bệnh chết người không nằm trong các dự đoán, Melosh nói.

“Khoảng 1 tấn vật liệu Sao Hỏa tới Trái Đất hàng năm,” ông nói. “Có nhiều sự trao đổi vật liệu qua lại trong Hệ Mặt Trời của chúng ta hơn mọi người thường nghĩ. Thực ra, sự sống của chúng ta rất có thể đến từ Sao Hỏa.”

Howell rất lạc quan về khả năng sự sống không phải chỉ tồn tại trên Trái Đất.
“Rất khó để tin rằng sự sống không tồn tại đâu đó trong khoảng không gian khổng lồ ngoài kia.” Howell nói. “Câu hỏi là liệu khoảng thời gian của họ có trùng với chúng ta đủ lậu để nhận ra sự sống ấy. Kể cả nếu chúng ta không tìm thấy bằng chứng sự sống trong mẫu vật từ Phobos, đó cũng không phải một câu phủ định tới câu hỏi liệu sự sống có tồn tại trên Sao Hỏa. Có thể sự sống đã tồn tại trên đó từ quá lâu để chúng ta có thể tìm ra.”

Melosh đã công bố kết quả nghiên cứu của nhóm tại một cuộc họp giữa NASA và Cơ quan không gian châu Âu tại Áo, và Chappaz sẽ trình bày về các số liệu tại một buổi họp vào 14 tháng 7 tại Mysore, Ấn Độ.

Quỳnh Chi (VACA)
theo Science Daily