Hơn năm mươi năm trước, một supernova (siêu tân tinh) được phát hiện trong M83, một thiên hà xoắn cách Trái Đất khoảng 15 triệu năm ánh sáng. Các nhà thiên văn học đã sử dụng đài quan sát Chandra X-ray của NASA để lần đầu tiên phát hiện ra bức xạ tia X từ phần tàn sót lại của vụ nổ.

Được đặt cái tên là SN 1957D là vì đây là supernova thứ tư được phát hiện vào năm 1957. Nó là một trong số ít đã được phát hiện ở bên ngoài Milky Way ở cả dải sóng vô tuyến và biểu kiến, nhiều thập kỉ sau khi vụ nổ được quan sát. Vào năm 1981, các nhà thiên văn học đã nhìn thấy phần tàn dư của một ngôi sao đã phát nổ ở dải sóng vô tuyến, rồi tới năm 1987 họ phát hiện tàn dư của nó ở dải biểu kiến, nhiều năm sau khi ánh sáng từ vụ nổ biến mất.

Một quan sát ngắn (khoảng 14 giờ) có liên quan từ đài Chandra năm 2000 và 2001 đã không phát hiện được bất cứ tia X nào từ tàn dư của SN 1957D. Tuy nhiên, quan sát dài hơn được thực hiện năm 2010 và 2011, kéo dài 8 ngày rưỡi đã phát hiện được sự có mặt của phát xạ X. Độ sáng của tia X vào năm 2000 và 2001 cũng ngang bằng hoặc thấp hơn so với độ sáng trong bức ảnh mới này.

Bức ảnh mới của Chandra về M83 là một trong những ảnh chụp sâu nhất bức xạ X từng được quan sát về một thiên hà khác. Góc nhìn đầy đủ về thiên hà xoắn này cho thấy bức xạ X năng lượng thấp, trung bình và cao tương ứng với các màu lần lượt là đỏ, xanh lá cây và xanh da trời. Vị trí cuat SN 1957D nằm ở rìa cánh tay xoắn phía trên vùng trung tâm thiên hà, nơi đánh dấu bởi hình vuông.

Dữ liệu mới từ tàn dư của SN 1957D cung cấp những thông tin quan trọng về bản chất của vụ nổ này mà các nhà thiên văn cho rằng xảy ra khi một ngôi sao nặng cháy hết nhiên liệu và suy sụp. Sự phân bố tia X và năng lượng của nó gợi ý rằng SN 1957D chứa một sao neutron, một ngôi sao đặc quay rất nhanh, tạo thành từ lõi của một ngôi sao trước khi nó phát nổ supernova.

Sao neutron này (còn có tên khác là pulsar) có lẽ đã sản xuất ra một cái kén nơi chứa các hạt mang điện di chuyện gần với vận tốc ánh sáng được gọi là tinh vân gió pulsar.

Nếu giải thích này được xác nhận thì pulsar  trong SN 1957D, được quan sát ở tuổi thứ 55 sẽ là pulsar trẻ nhất từng được quan sát. Tàn dư của SN 1979C trong thiên hà M100 chứa một ứng viên khác cho pulsar trẻ nhất, nhưng các nhà thiên văn vẫn không chắc chắn về việc ở trung tâm của SN 1979C là một pulsar hay là lỗ đen.

Một bức hình do kính thiên văn không gian Hubble chụp được trong khung hình được đánh dấu cho thấy phần sót lại của vụ nổ tạo nên SN 1957D nằm ở rìa một quần sao có tuổi dưới 10 triệu năm. Nhiều sao trong số đó được ước tính có khối lượng khoảng 17 lần khối lượng Mặt Trời. Đây chỉ là khối lượng phù hợp để một ngôi sao tiến tới việc sụp đổ và tạo nên một supernova như SN 1957D.

VACA
Theo Space Daily