Quá trình hình thành Hệ Mặt Trời của chúng ta có thể đã được khởi động bởi một sóng xung kích (shock wave) từ một ngôi sao phát nổ lan truyền qua một đám mây khí khổng lồ đang quay, các nhà thiên văn học Mỹ cho biết.

Hệ Mặt Trời được cho rằng đã hình thành từ một đám mây khí và bụi được gọi là tinh vân Mặt Trời (solar nebula) 4,6 tỷ năm trước (đọc bài "Sự ra đời của Hệ Mặt Trời"), các nhà khoa học từ lâu đã giả thuyết rằng một sóng xung kích từ một vụ nổ supernova (siêu tân tinh) tác động lên khu vực của tinh vân này.

Lý thuyết cũng cho rằng vật chất từ sóng xung kích này được bơm vào trong tinh vân Mặt Trời, và các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng của những vật chất này trong các thiên thạch.

Các nhà thiên văn học đã phát triển các mô hình máy tính về sóng xung kích supernova và sự tạo thành Hệ Mặt Trời xem chúng có khớp với các mẫu vật chất tìm thấy trong các thiên thạch từ giai đoạn đầu của Hệ mặt Trời hay không.

"Bằng chứng dẫn chúng tôi tới việc tin rằng supernova chính xác là thủ phạm", trường nhóm nghiên cứu Alan Boss, nhà Vật lý thiên văn tại viện Carnegie, Washington cho biết khi trao đổi với SPACE.com

Mô hình máy tính 3D cho thấy sóng xung kích tấn công tinh vân Mặt Trời, nén nó lại thành những vết lõm như ngón tay trên bề mặt đám mây.

Những "ngón tay" này bơm các đồng vị phóng xạ từ supernova vào trong tinh vân - cái được tìm thấy trong các thiên thạch - và chưa tới 100.000 năm sau đó đám mây sụp đổ dẫn tới sự ra đời của Hệ Mặt Trời, mô hình gợi ý.

VACA
theo Space