Các nhà khoa học hôm chủ nhật vừa qua đã cho biết việc tìm thấy các phân tử nước trong các mẫu đất ở Mặt Trăng, và những dấu hiệu khác thường của chúng chỉ ra rằng Mặt Trời chính là nguồn gián tiếp.

Các mẫu đã được lấy về Trái Đất bởi chương trình Apollo mang theo những phân tử nước và các tiền chất của nó gọi là hydroxyl, theo như nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Nature Geoscience.

Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Yang Liu ở đại học Tennessee giả thuyết rằng các phân tử nước được tạo thành do phản ứng giữa các ion hydro trong gió Mặt Trời và đất xốp bề mặt của Mặt Trăng.

Mặt Trời hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước từ một đám mây khí, trong quá trình của phản ứng kết hợp hydro và deuteri (hydro nặng) tạo thành heli.

Kết quả là khác với các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời, bản thân Mặt Trời chứa rất ít deuteri. Điều này được khẳng định qua những mẫu nghèo deuteri đã được các nhà nghiên cứu tìm thấy.

Những cuộc kiểm tra sử dụng quang phổ hồng ngoại để xác định thành phần hóa học của các mẫu lấy về bởi Apollo 11, 16 và 17. Hai mẫu được lấy từ đồng bằng và một mẫu khác được lấy từ cao nguyên trên Mặt Trăng.

Mặc dù các phân tử nước đã hòa tàn và không tồn tại ở dạng lỏng, nhưng các tác giả của nghiên cứu cho biết nó vẫn thúc đẩy quan điểm cho rằng Mặt Trăng không phải nơi hoàn toàn khô cằn như người ta vẫn nghĩ.

Từ năm 2009, khi NASA tìm thấy các tinh thể nước trong một miệng núi sâu gần cực Nam của Mặt Trăng, bằng chứng này đã gợi ý rằng Mặt Trăng từng là một nơi ẩm ướt và có thể vẫn còn nước đóng băng ở sâu trong nó.

Tới nay, nguồn của nước trong Hệ Mặt Trời, cho tới vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, được cho là từ các sao chổi và các thiên thạch chứa nước đã va chạm với các hành tinh và các thiên thể khác.

Như vậy nếu nghiên cứu này là đúng thì hydro từ gió Mặt Trời chính là nguồn nước  thứ hai, đây thực sự là điều khó tưởng tượng.

Gió Mặt Trời bắn phá bề mặt Mặt Trăng với vận tốc 1,6 triệu km/h, lấn sâu vào nền đất của Mặt Trăng tới độ sâu khoảng 100 nanomet (100 phần tỷ mét).

Hydroxyl là liên kết giữa một nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy (HO) trong khi nước là liên kết của hai nguyên tử hydro và một nguyên tử oxy (H2O)

Gió Mặt Trời đã theo một cơ chế nào đó tác động gây ra phản ứng kết hợp hydroxyl với các nguyên tử hydro trên bề mặt của Mặt Trăng để tạo thành các phân tử nước.

Cơ chế như vậy còn có thể xảy ra ở các thiên thể khác không có khí quyển, vì gió Mặt Trời có thể tác dụng trực tiếp lên mặt đất. Chẳng hạn như Sao Thủy - hành tinh đá gần Mặt Trời nhất, hay Vesta - thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Trên Trái Đất, chúng ta được bảo vệ khỏi gió Mặt Trời nhờ có khí quyển và từ trường của hành tinh.

VACA
(theo Space Daily)