Tối ngày 28 tháng 11 sắp tới, người quan sát trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát trọn vẹn hiện tượng nguyệt thực nửa tối, hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất cuối năm 2012 này.

 

>>Nhật thực và nguyệt thực

Ngày mùng 4 tháng 6 năm nay, chúng ta đã có cơ hội quan sát nguyệt thực một phần, tuy nhiên do thời tiết cản trở nên chỉ rất ít vùng tại Việt Nam quan sát được. Lần nguyệt thực cuối tháng 11 này sẽ là cơ hội cuối cùng trong năm nay cho người quan sát, mặc dù lần này nguyệt thực chỉ là nửa tối.

Chúng ta đã biết rằng nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng đi vào nón bóng tối của Trái Đất tạo thành do ánh sáng Mặt Trời (hình dưới). Vùng nón bóng tối chính (umbra) là vùng tối hoàn toàn không nhận được ánh sáng Mặt Trời trong khi bao quanh nó là vùng nửa tối (penumbra) nhận được một phần ánh sáng Mặt Trời. Nguyệt thực toàn phần hay một phần là khi toàn bộ hay một phần của Mặt Trăng đi vào phần bóng tối hoàn toàn, trở nên tối và đỏ sẫm. Trong khi đó nguyệt thực nửa tối là hiện tượng khi Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối, nó cũng tối lại và chuyển sang màu đỏ nhưng nhạt hơn so với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần. Mặc dù vậy nguyệt thực nửa tối vẫn là một hiện tượng rất thú vị, nhất là với người quan sát có sự hỗ trợ của ống nhòm hay kính thiên văn, vì họ có thể quan sát rõ hơn bề mặt Mặt Trăng so với ngày thường.

 



Hiện tượng nguyệt thực sẽ diễn ra vào tối ngày 28 tháng 11 sắp tới là một nguyệt thực nửa tối kéo dài tới 4 giờ 37 phút. Tuy nhiên khoảng thời gian lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này chỉ kéo dài khoảng 1 giờ từ 21h00 tới 22h00 ngày 28 tháng 11 theo giờ Việt Nam.


Các khu vực quan sát được nguyệt thực lần này, chúng ta có thể thấy Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng "All Eclipse Visible" (quan sát được trọn vẹn hiện tượng)



Trong hình ảnh mô phỏng bên dưới, bạn có thể thấy quá trình xảy ra nguyệt thực nửa tối từ khi nó bắt đầu vào bóng nửa tối (P1), tới cực đại (Greatest) cho tới khi thoát hẳn khỏi bóng nửa tối (P2). Hình ảnh do website Timeanddate.com thực hiện, giờ ghi chú trên hình là giờ UT (Universal Time), giờ của Việt Nam chúng ta là UT+7 (giờ UT gần như trùng khít với giờ GMT)




Cách quan sát nguyệt thực

  • Khác với nhật thực, nguyệt thực rất an toàn cho người quan sát và chỉ cần dùng mắt thường là có thể quan sát được. Sẽ lý tưởng hơn nếu bạn có một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn nhỏ, khi không còn bị lóa bởi ánh sáng rực rỡ thông thường của Mặt Trăng vào ngày trăng tròn bạn sẽ dễ dàng quan sát được bề mặt của nó qua các thiết bị này.
  • Nên chọn góc địa điểm quan sát ít ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm ánh sáng. Địa điểm lý tưởng cho bạn là các khu vực ít nhà cao tầng, ít ánh sáng nhân tạo, và tránh xa những khu vực nhiều khói và bụi như đường quốc lộ, khu công trường đang thi công ...
  • Thời điểm cực đại của nguyệt thực sẽ rơi vào 21h33 theo giờ Việt Nam. Vào giờ này Mặt Trăng đang mọc cao khoảng hơn 50 độ trên bầu trời phía Đông, nếu trời ít mây bạn sẽ dễ dàng quan sát rất rõ hiện tương thú vị này.


Tại Hà Nội, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) sẽ tổ chức quan sát hiện tượng này qua kính thiên văn. Chúng tôi sẽ thông báo lại chi tiết trước ngày 24 tháng 11 sắp tới. Mong quý độc giả chú ý theo dõi.

Đặng Vũ Tuấn Sơn