Nhà khoa học Mark Hoffmann với phiên bản Star Search (Tìm kiếm các ngôi sao) của ông tại Đại học North Dakota đã giải thích được một hiện tượng quan trọng – rất quan trọng – của vũ trụ.

Hoffman, một nhà hóa học điện toán và các đồng nghiệp của ông: Tryve Helgaker, một nhà khoa học Na Uy nổi tiếng, và đồng tác giả E. I. Tellgren và K. Lange, đều làm việc ở Na Uy, vừa tìm ra một tương tác phân tử mà khoa học chưa hề chứng kiến trong vài thập kỉ gần đây. Khám phá này có thể thay đổi toàn bộ cách khoa học định nghĩa về sự hình thành của các hợp chất hóa học. Khám phá cũng có thể trả lời các câu hỏi về các hiện tượng xảy ra trên các sao lùn trắng, cái lõi siêu đặc của các ngôi sao khi vòng đời của chúng sắp kết thúc.

“Chúng tôi đã tìm ra một dạng liên kết hóa học mới,” Hoffman, người được cả thế giới biết đến với công trình tiên phong của mình trong lĩnh vực lý thuyết và xây dựng mô hình máy tính của sự hình thành các hợp chất hóa học, phát biểu. “Đó là một lời khẳng định khá bạo dạn, nhưng tôi không hề đùa! Đây là một dạng liên kết hóa học hoàn toàn mới, chưa từng được khoa học biết đến.”

Hoffman và những đồng nghiệp của ông đã viết lại cuốn sách về các định luật hóa học để giải thích những hiện tượng của bầu trời đêm, gồm có những câu hỏi bất hủ như cách những ngôi sao hình thành, phát triển và cuối cùng là chết.

Công trình của họ cũng giải đáp bí ẩn về cách một số hợp chất có thể hình thành ở vũ trụ xa xôi. Khám phá lớn này được công bố ở một bài báo trên một số ra gần đây của tờ Science.

“Khám phá của chúng tôi đã chạm tới một trong những bí ẩn lớn nhất của vật lý thiên văn học về quang phổ của những ngôi sao lùn trắng,” Hoffman nói. “Sao lùn trắng có một quang phổ rất bất thường mà thường được giải thích là kết quả của hidro bị polime hóa và helium, một quá trình chắc chắn không xảy ra trên Trái Đất. Quá trình này có thể xảy ra ở ngoài không gian vì từ trường của các sao lùn trắng lớn hơn nhiều lần tất cả các từ trường có thể được tạo ra trên Trái Đất.”

Ngôi sao lùn trắng gần nhất, Sirius B, là một ngôi sao sinh đôi nhạt hơn so với ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, Sirius A. Nó bằng cỡ với Mặt Trời của chúng ta, nhưng đặc hơn nhiều, mật độ trung bình của nó là 1,7 tấn trên một centimet khối, hay khoảng 3000 pound ép vào một thể tích bằng của một khối đường.

Hoffman và nhóm của mình đã miêu tả một quá trình liên kết tự cảm giữa các vật liệu. “Đã từng có những suy đoán rằng hiện tượng này có thể tồn tại, nhưng chưa ai tìm được bằng chứng, và chưa có ai – ngoại trừ nhóm của chúng tôi – đã có được cấu trúc lý thuyết và các dụng cụ máy tính để tìm ra câu trả lời,” ông nói.

Trên Trái Đất, kể cả những thí nghiệm quân sự táo bạo nhất cũng chỉ tạo ra một cực điểm khoảng 1000 Tesla – đơn vị đo từ trường (nam châm tủ lạnh tạo ra từ trường khoảng 1/1000 Tesla). Nhưng trên Sirius B, từ trường vào khoảng 200,000 đến 400,000 Tesla, đủ để thay đổi các tương tác điện từ quen thuộc của hóa học và khoa học vật chất trên Trái Đất.

Những từ trường khổng lồ như vậy trực tiếp thay đổi cách thức các nguyên tử liên kết, và có thể thay đổi cả bản chất hóa học chúng ta biết đến ở Trái Đất.

“Những gì chúng ta có trước khám phá này chỉ là một mô hình trên giấy của những hiện tượng trong vũ trụ. So với nhũng điều đang diễn ra ở những nơi như sao lùn trắng, những từ trường chúng ta đang tạo ra ở đây – kể cả với những nam châm mạnh nhất – thật là bé nhỏ.”

Vậy họ đã tìm ra bằng cách nào?
”Chúng tôi đã tạo mô hình bằng máy tính những hiện tượng mà chúng tôi tìm ra trên lý thuyết dựa trên những nguyên tắc vật lý áp dụng được trên quy mô vũ trụ,” Hoffman nói.

Mô hình máy tính của nhóm khẳng định lý thuyết của họ. Phần còn lại là công việc của các nhà vậy lý thiên văn để kiểm tra mô hình này với những quan sát quen thuộc về những ngôi sao.

Quỳnh Chi (VACA)
(theo Science Daily)