Năm ngoái, các nhà thiên văn học người Nga là Vitaly Nevsky và Artyom Novichonok đã khám phá ra một sao chổi khổng lồ đang tiến tới Trái Đất. Sao chổi ISON, mà nhiều người cho rằng sẽ sáng hơn cả Mặt Trăng sẽ có thể được quan sát bằng mắt thường vào cuối năm 2013.

Các nhà thiên văn học cho biết dựa vào quĩ đạo độc nhất của sao chổi này, nó có thể có nguồn gốc từ đám mây Oort, một tập hợp khổng lồ các mảnh đá và băng bao quanh biên giới Hệ Mặt Trời, cách Mặt Trời khoảng 1 năm ánh sáng.

Sao chổi này hiện đang đi ngang qua Sao Mộc, tăng tốc và mỗi ngày một sáng hơn. Vào tháng 9 năm 2012, các nhà thiên văn Ngan đã xác định nó là một sao chổi qua những bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn thuộc hệ thống quang học quốc tế, viết tắt là ISON (International Scientific Optical Network), vì thế mà sao chổi này có cái tên như thế.

Sao chổi ISON chưa bao giờ tiến sâu vào Hệ Mặt Trời, bề mặt của nó tối đen bởi sự va chạm với các hạt trong thiên hà. Cùng lúc, nó tránh được việc bị phá hủy bởi cái gọi là gió Mặt Trời. Việc quan sát bề mặt của những sao chổi thế này có thể góp phần vaopf việc làm sáng tỏ hơn quá trình tiến hóa của vũ trụ.

Tới nay, sao chổi ISON chỉ có thể được quan sát qua các kính thiên văn lớn. Tháng 11 năm 2013 sẽ là thời điểm nó sáng nhất do các khí trên bề mặt của nó sẽ bị đốt nóng khi tới gần Mặt Trời. Đó sẽ là một cảnh tượng ngoạn mục mà người ta có thể quan sát suốt từ tháng 10 năm 2013 đến tháng 1 năm 2014 mà không cần tới kính thiên văn hay ống nhòm.

Tuy nhiên có một kịch bản khác có thể xảy ra, đó là sao chổi này sẽ bị phá vỡ bởi áp lực từ Mặt Trời. Nó có thể sẽ gây ra một trận mưa sao băng lớn vào đầu năm 2014 mà người trên khắp Trái Đất có thể quan sát.

VACA
theo Space Daily