Dữ liệu quan sát cho thấy tinh vân hành tinh NGC 2392 phát ra bức xạ X-ray cao bất thường, khiến các nhà nghiên cứu suy đoán rằng có một đồng hành chưa được nhìn thấy của ngôi sao nóng ở trung tâm.

Những ngôi sao như Mặt Trời phát ra bức xạ rất mạnh vào cuối cuộc đời của chúng. Một ví dụ là NGC 2392, cách Trái Đất khoảng 4.200 năm ánh sáng. NGC 2392, còn gọi là Tinh vân Eskimo, là đối tượng mà các nhà khoa học gọi là tinh vân hành tinh. Tuy nhiên thuật ngữ này dùng không chính xác lắm vì tinh vân hành tinh thực sự không liên quan gì với các hành tinh. Thuật ngữ này chỉ đơn giản là một tên gọi cũ vì các đối tượng này trông giống như đĩa hành tinh khi mà thiên văn học thời gian trước nhìn chúng qua kính thiên văn quang học nhỏ.

Thay vào đó, tinh vân hành tinh được hình thành khi một ngôi sao sử dụng hết tất cả nhiên liệu hydro có trong lõi của nó - một sự kiện mà Mặt Trời sẽ phải trải qua trong 5 tỉ năm nữa. Khi điều này xảy ra, ngôi sao bắt đầu lạnh dần và nở ra, tăng bán kính của nó lên gấp hàng chục đến hàng trăm lần kích thước ban đầu của nó. Cuối cùng, các lớp bên ngoài của ngôi sao được phóng ra và mang đi bởi gió sao với tốc độ 31.000 dặm/h (50.000 km / h) , để lại một lõi nóng. Lõi nóng này có nhiệt độ bề mặt của khoảng 90.000 ° F (50.000 ° C) và bắn lớp bên ngoài của nó ra nhanh hơn nhiều với tốc độ khoảng 4 triệu dặm/h (6 triệu km / h). Các bức xạ từ ngôi sao nóng và sự tương tác của những cơn gió nhanh và gió chậm hơn tạo ra lớp vỏ phức tạp của tinh vân hành tinh. Cuối cùng, phần còn lại của ngôi sao sẽ co lại để tạo thành một sao lùn trắng.

Ngày nay, các nhà thiên văn học sử dụng kính thiên văn vũ trụ có thể quan sát tinh vân hành tinh như NGC 2392 theo cách mà khoa học trước đây không bao giờ có thể tưởng tượng được. Hình ảnh tổng hợp của NGC 2392 bao gồm dữ liệu tia X từ Đài thiên văn Chandra của NASA với màu tím cho thấy vị trí của khí hàng triệu độ gần trung tâm của tinh vân hành tinh. Dữ liệu từ kính thiên văn không gian Hubble - màu đỏ, xanh lá cây, và màu xanh - cho thấy mô hình phức tạp của các lớp bên ngoài của ngôi sao khi được phóng ra. Các sợi trông như sao chổi hình thành khi gió nhanh và bức xạ từ ngôi sao trung tâm tương tác với phần vỏ lạnh hơn của bụi và khí được phun ra từ ngôi sao.

Các quan sát về NGC 2392 là một phần của một nghiên cứu về ba tinh vân hành tinh với khí nóng ở trung tâm của chúng. Các dữ liệu Chandra cho thấy NGC 2392 có mức độ phát xạ tia X cao bất thường so với hai tinh vân kia. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng có thể có một ngôi sao đồng hành không quan sát được với ngôi sao nóng ở trung tâm NGC 2392. Sự tương tác giữa một cặp sao đôi có thể giải thích sự phát xạ tia X cao được tìm thấy ở đó. Trong khi đó, phát xạ tia X yếu hơn được quan sát thấy trong hai tinh vân hành tinh còn lại - IC 418 và NGC 6826 - có khả năng được tạo ra bởi sóng xung kích (giống như bùng nổ âm thanh) trong gió từ ngôi sao trung tâm.

Gia Linh (VACA)
Theo Astronomy