Rạng sáng ngày 19 tháng 10, người yêu thích bầu trời sẽ có dịp quan sát một phần của hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Đây cũng là hiện tượng nguyệt thực cuối cùng trong năm nay.

 

Nguyệt thực nửa tối là hiện tượng Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất (penumbral), chỉ tối đi đôi chút và chuyển sang màu đỏ nhạt thay vì màu đỏ thẫm và tối như đối với nguyệt thực toàn phần hay một phần hoàn toàn tối.

 

Hình dưới mô tả vị trí của Mặt Trăng gây ra nguyệt thực hoàn toàn tối (umbral) và nguyệt thực nửa tối (penumbral)




Nguyệt thực nửa tối vào rạng sáng ngày 19 tháng 10 tới không phải một nguyệt thực nửa tối toàn phần, mà chỉ có một phần lớn của Mặt Trăng đi vào bóng nửa tối của Trái Đất. Theo giờ Việt Nam, hiện tượng này bắt đầu lúc 4h53 sáng và kết thúc lúc 8h48 ngày 19 tháng 10. Do Mặt Trăng sẽ lặn vào thời điểm khoảng 5h30 sáng cùng ngày, nên thực tế người quan sát tại Việt Nam chỉ có thể quan sát được giai đoạn đầu của nguyệt thực này kéo dài từ lúc bắt đầu 4h53 cho tới trước 5h30, lúc này Mặt Trăng nằm ở gần chân trời phía Tây.



Hình ảnh mô phỏng các khu vực có thể quan sát nguyệt thực trên thế giới của website Timeanddate.com. Vùng đỏ tươi tương ứng với khu vực có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng, Việt Nam nằm trong khu vực chỉ quan sát được giai đoạn đầu khi Mặt Trăng sắp lặn.


Có thể nói, nguyệt thực nửa tối lần này không phải một hiện tượng quá đặc biệt, tuy nhiên với những người yêu thích quan sát bầu trời có thể vẫn là một sự kiện thú vị.
Nguyệt thực nửa tối cũng như nguyệt thực toàn phần hay một phần , hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường không cần thông qua bất cứ dụng cụ bảo vệ nào. Tuy nhiên một chiếc ống nhòm, kính thiên văn nhỏ hay đơn giản là một chiếc camera sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét và thú vị hơn.

Đặng Vũ Tuấn Sơn
(VACA)