Một nhóm các nhà thiên văn học đã tìm thấy hành tinh cỡ Trái Đất đầu tiên bên ngoài Hệ Mặt Trời có thành phần đá như Trái Đất. Hành tinh này, được gọi là Kepler-78b, quay xung quanh rất gần ngôi sao của nó với chủ kì chỉ 8,5 giờ, làm cho nó quá nóng để có thể hỗ trợ sự sống.

Hành tinh cỡ Trái Đất này được phát hiện bằng cách sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA và được xác nhận, mô tả cùng với Đài quan sát W. M Keck.

Cứ mỗi 8,5 giờ, hành tinh lại đi qua phía trước ngôi sao chủ của nó, chặn bớt một phần nhỏ của ánh sáng sao. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện được điều này trong khi phân tích dữ liệu của Kepler.

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Andrew Howard từ Viện Thiên văn học tại Đại học Hawaii ở Manoa, đã đo khối lượng của hành tinh cùng với Đài quan sát Keck tại Mauna Kea, Hawaii. Bằng cách sử dụng Kính viễn vọng Keck I với đường kính 10 mét được trang bị các thiết bị HIRES (High Resolution Echelle Spectrometer – Quang phổ kế Echelle phân giải cao), nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp vận tốc xuyên tâm để đo sự thay đổi vận tốc mà hành tinh quay quanh gây ra cho ngôi sao của nó để xác định khối lượng của hành tinh. Đây là một minh chứng tuyệt vời của sự phối hợp giữa khả năng quan sát của Kepler, đã xác định được hơn 3.000 ứng cử viên hành tinh ngoài hệ tiềm năng, và Đài quan sát Keck, đóng vai trò hàng đầu trong việc thực hiện các phép đo Doppler chính xác cho các hành tinh này.

Một số ít các hành tinh có kích thước hoặc khối lượng như Trái Đất đã được phát hiện gần đây. Và Kepler -78b là một trong những hành tinh đầu tiên xác định được cả khối lượng lẫn kích thước. "Khi bạn có cả hai yếu tố này, bạn có thể tính toán tỉ trọng của hành tinh và bằng cách đó xác định thành phần của nó", Howard nói.

Có bán kính gấp khoảng 1,2 lần so với Trái Đất và khối lượng bằng khoảng 1,7 lần Trái Đất , Kepler- 78b có tỉ trọng giống như hành tinh của chúng ta , điều đó cho thấy rằng nó cũng được cấu tạo chủ yếu từ đá và sắt. Ngôi sao của nó nhỏ hơn và nhẹ hơn Mặt Trời và nằm cách chúng ta 400 năm ánh sáng trong chòm sao Cygnus .

Kepler- 78b là thành viên của một loại hành tinh mới gọi là hành tinh "chu kì cực ngắn" được xác định gần đây bởi tàu không gian Kepler. Những hành tinh mới phát hiện đều quay quanh ngôi sao của mình với chu kỳ quỹ đạo ít hơn 12 giờ. Chúng cũng khá nhỏ, khoảng từ một đến hai lần kích thước của Trái Đất. Kepler- 78b là hành tinh đầu tiên trong loại hành tinh mới này đã đo được khối lượng . Việc các hành tinh loại này hình thành như thế nào và điều gì làm cho nó quay rất gần ngôi sao chủ của mình vẫn còn là một bí ẩn - chỉ có một phần trăm khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời trong trường hợp của Kepler- 78b .

Một nghiên cứu khác dẫn đầu bởi Francesco Pepe từ trường Đại học Geneva ở Thụy Sĩ cũng sử dụng các dữ liệu từ Kepler nhưng quan sát vận tốc xuyên tâm độc lập .

Hai nghiên cứu đã tìm thấy kết quả tương tự nhau. " Tiêu chuẩn vàng trong khoa học là phát hiện của bạn được lặp lại bởi các nhà nghiên cứu khác", Howard nói. " Trong trường hợp này , chúng tôi đã không phải chờ đợi điều này xảy ra ".

Gia Linh (VACA)

Theo Astronomy