Ngôi sao của chúng ta dường như đã phá hủy vị khách bất ngờ mong manh này trong cuộc gặp gỡ của chúng. Sao chổi ISON (4,5 tỷ TCN - 2013) đã tồn tại hơn 4,5 tỷ năm trong không gian sâu thẳm lạnh lẽo của hệ Mặt Trời, nhưng nó lại thất bại trong khoảnh khắc ngắn ngủi ở điểm cận nhật của Mặt Trời vào ngày 28/11/2013.

Bởi vì cấu tạo mong manh của ISON, nhiệt độ cao của Mặt Trời, và - quan trọng nhất – là lực thủy triều mạnh mẽ của ngôi sao chúng ta, nhân của sao chổi đã không thể sống lâu trong cuộc chạm trán ở phạm vi cách bề mặt Mặt Trời 730.000 dặm (1.160.000 km).

Khi sao chổi đến gần điểm cận nhật (khoảng cách tối thiểu đến Mặt Trời) ngày 28 tháng 11, nó vẫn tiếp tục sáng ở khoảng mà các nhà thiên văn đã dự đoán. Vào cuối buổi tối ngày 27 (tại Bắc Mỹ), ISON đạt cường độ sáng cao nhất -2.0. Hình ảnh từ coronagraph (thiết bị gắn với kính thiên văn để chặn bớt ánh sáng Mặt Trời) của cả hai Đài Quan sát Mặt Trời và Nhật quyển (SOHO) và Đài quan sát các mối quan hệ Mặt Trời-Trái Đất (STEREO) cho thấy sao chổi như một điểm sáng của vệt sáng dài với một đuôi bụi rõ rệt và một dải bụi hẹp.

Thế nhưng ISON đã bắt đầu mờ dần ngay cả trước khi tiếp cận gần nhất Mặt Trời. Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO), được trang bị các máy ảnh tốt nhất để phục vụ cho việc quan sát cận cảnh ngôi sao của chúng ta và môi trường xung quanh nó, không nhìn thấy sao chổi tại điểm cận nhật. Và một khi ISON đã di chuyển đủ xa ra ngoài Mặt Trời để nó có thể xuất hiện trở lại trong coronagraph của SOHO, thì nó không được tìm thấy ở đâu cả.

Trong lúc mà các nhà thiên văn nghĩ rằng ISON đã chết, sao chổi không thể dự đoán này đã từ cõi chết trở về như một câu chuyện cổ tích kì diệu. Khoảng 24 giờ sau khi đến điểm cận nhật, SOHO một lần nữa chụp được ảnh của ISON cho thấy một cái đuôi bụi mỏng và một khối đặc ở trung tâm đang khuếch tán mà một số người cho là một phần nhỏ còn lại của nhân của sao chổi. Nhưng chẳng bao lâu sự hồi sinh đã bắt đầu dần biến mất - vào cuối ngày 29 tháng 11, ánh sáng của nó đã nhạt dần chỉ còn ở độ sáng cấp 6.

Có vẻ như màn trình diễn mà các nhà thiên văn nghiệp dư mong đợi ISON sẽ tạo ra khi nó xuất hiện bên cạnh ánh sáng chói lòa của Mặt Trời vào đầu tháng 12 sẽ không diễn ra. Hầu hết các nhà khoa học nghĩ rằng nhân của nó đã tiêu tan, và bụi còn lại sẽ là quá mờ nhạt để có thể quan sát qua bất cứ phương tiện gì ngoại trừ những kính thiên văn lớn. Mặc dù câu chuyện ISON dường như đã qua, các nhà thiên văn sẽ phải mất hàng tháng để nghiên cứu những quan sát của họ về một trong những vị khách loại này.

Gia Linh (VACA)
Theo Astronomy