Một trận mưa sao băng hoàn toàn mới sẽ xuất hiện cuối tháng 5 này, theo nhiều dự đoán, đây sẽ là một trận mưa sao băng lớn của năm nay. Liệu chúng ta có thể quan sát đầy đủ hiện tượng này, và liệu nó sẽ là một cơn mưa hay ... "bão" sao băng?

Mưa sao băng lần đầu xuất hiện
Khác với các mưa sao băng khác vẫn diễn ra hàng năm và đã được tính toán thời gian tương đối chính xác bởi vị trí của các đám thiên thạch trên quĩ đạo của Trái Đất, mưa sao băng cuối tháng 5 này là một hiện tượng hoàn toàn mới chưa từng xảy ra trên khí quyển của chúng ta.

Các sao băng sẽ có vùng trung tâm là chòm sao Camelopardalis (Hươu cao cổ), do đó mưa sao băng được gọi là Camelopardalids hay Camelopardalids tháng Năm.

Mưa sao băng Camelopardalids được tạo thành từ các mảnh vụn của sao chổi 209P/LINEAR được để lại trên quỹ đạo Trái Đất. 209P/LINEAR là một sao chổi chu kì ngắn với chu kì quỹ đạo quanh Mặt Trời chỉ hơn 5 năm. Nó tới điểm cận nhật trên quĩ đạo của mình lần gần nhất ngày 6 tháng 5 vừa qua và sẽ tới điểm gần Trái Đất nhất vào ngày 29 tháng 5. Tuy vậy, điều đáng nói là mưa sao băng sắp diễn ra vào ngay tháng 5 này không phải do những mảnh vụn của sao chổi này trong lần tiến gần chúng ta này mà lại đến từ những mảnh vụn mà nó để lại từ một lần nào đó trong những năm 1800.


Có phải là "bão sao băng"?
Từ năm 2012, nhiều dự đoán của các nhà thiên văn về mật độ các mảnh vụn của 209P/LINEAR đã gợi ý rằng mưa sao băng Camelopardalids năm 2014 này sẽ cho phép chúng ta chứng kiến một lượng sao băng lớn vô cùng hiếm có, có thể lên tới 800 hay 1000 sao băng mỗi giờ, hoặc có thể hơn nữa. Trong khi đó, những mưa sao băng vẫn được biết tới là lớn nhất hàng năm như Perseids, Geminids thường có mật độ từ 100 đến 200 sao băng mỗi giờ, còn những lần số sao băng mỗi giờ lớn hơn 200 thường được coi là rất lớn và hiếm khi xảy ra. Do vậy, để nhấn mạnh qui mô được dự đoán vừa nêu, một số nhà thiên văn đã gọi hiện tượng này là "bão sao băng".

Gần tới hiện tượng này, các phương tiện truyền thông càng thường xuyên sử dụng cụm từ "bão sao băng" này để thu hút sự chú ý của người theo dõi.

Trên thực tế, dự đoán chính xác hơn từ cuối năm 2013 đã cho biết mưa sao băng sắp diễn ra sẽ có mật độ ước tính khoảng 200 sao băng mỗi giờ, có nghĩa là tương đương với một trận mưa sao băng loại rất lớn, nhưng có lẽ ... chưa đủ để gọi là "bão".

Mặc dù vậy, như đã nói, 200 sao băng mỗi giờ tương đương với một mưa sao băng rất lớn và hết sức đáng chú ý. Nếu thời tiết tương đối thuận lợi, người yêu thích thiên văn sẽ có cơ hội quan sát một hiện tượng hấp dẫn và không hề xảy ra thường xuyên.


Quan sát ở đâu, khi nào?
Mưa sao băng Camelopardalids sẽ có thời gian cực điểm rơi vào khoảng ngày 23 đến 24 tháng 5 này. Theo dự đoán chính xác tới nay thì khoảng thời gian đẹp nhất của hiện tượng sẽ rơi vào từ 6 đến 8 UTC, tương đương với từ 13 đến 15h theo giờ Việt Nam.

Như vậy, tại Việt Nam chúng ta sẽ không quan sát được đúng cực điểm của hiện tượng này. Tuy nhiên, đêm 23 và 24 vẫn là khoảng thời gian tuyệt vời để quan sát mưa sao băng với mật độ vẫn lên tới trên dưới 200 sao băng mỗi giờ.

Rạng sáng ngày 24 và 25 tháng 5, trong khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng là thời điểm lý tưởng nhất để bạn quan sát hiện tượng này.



Mưa sao băng sẽ có vùng trung tâm là chòm sao Camelopardalids (Hươu cao cổ). Đây là một chòm sao nằm trên bầu trời phía Bắc, khá gần sao Bắc Cực (Polaris), nó chuyển động quanh sao Polaris do sự tự quay của Trái Đất. Mặc dù các sao của nó không được thật sáng để có thể dễ dàng xác định nhất là khi nếu bạn là người quan sát ở các thành phố bị ô nhiễm ánh sáng, bạn vẫn có thể dễ dàng tìm ra khu vực cần quan sát bằng cách xác định sao Polaris, ngôi sao nằm ngay hướng chính Bắc, các chòm sao Cassiopeia hay Draco (như trong hình) cũng là những chòm sao rất dễ xác định để bạn tìm được hướng quan sát cho mình. Hay đơn giản hơn, vùng trời hướng chính Bắc (mà bạn có thể xác định bằng bản đồ hay thiết bị định vị GPS) là nơi sẽ diễn ra hiện tượng này.

Thời gian này, thời tiết tại Việt Nam tương đối thất thường với nắng và mưa xen kẽ. Mặc dù vậy, với những ngày nắng nóng kéo dài và được dự đoán sẽ còn tiếp diễn, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để có bầu trời không mây trong đêm diễn ra hiện tượng này. Để bảo đảm hơn cho việc quan sát của bạn, xin vui lòng đọc thêm các chú ý dưới đây.

Một số chú ý khi quan sát mưa sao băng:
- Bạn không cần (và không nên dùng) kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào, hãy dùng mắt thường để quan sát.
- Khác với đa số các trận mưa sao băng nhỏ hơn, với hiện tượng này bạn có thể quan sát trước nửa đêm nếu không muốn phải thức đêm, nhất là với đêm 24 vì tối 24 sẽ gần cực điểm hơn rạng sáng ngày 25.
- Lưu ý điều kiện thời tiết, bạn chỉ có thể thấy sao băng nếu trời không mây. Một chú ý nhỏ như sau có thể giúp bạn: hãy đứng khoảng 5 phút ngoài trời cho mắt bạn quen dần với bóng tối. Khi đó bạn sẽ dễ dàng thấy các sao trên bầu trời. Nếu bạn có thể đếm được trên 50 ngôi sao thì bạn sẽ có thể dễ dàng quan sát các sao băng của hiện tượng. Ngược lại nếu bạn không thể thấy những ngôi sao bình thường thì có nghĩa là mây và khí quyển ô nhiễm đã cản tầm nhìn của bạn, và bạn sẽ không thấy được sao băng.
- Chọn địa điểm phù hợp, hạn chế ô nhiễm không khí và không bị ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt (Ví dụ như đèn trên các cột đèn đường, đèn từ các công trường xây dựng ...) và tất nhiên vẫn phải bảo đảm an toàn cho bản thân bạn
- Chuẩn bị trang phục mũ áo đầy đủ để bảo vệ sức khỏe bản thân và đừng quên sáng hôm sau bạn sẽ còn nhiều việc cần làm.
- Cuối cùng khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hãy thật kiên nhẫn, đừng rời mắt khói bầu trời, đôi khi có thể bạn sẽ phải nhìn liên tục tới 5 hay 10 phút hoặc hơn nữa mới thấy một vệt sao băng lao qua.

Chúc bạn may mắn!

Đặng Vũ Tuấn Sơn
Chủ tịch VACA