Vết đỏ lớn đặc trưng của Sao Mộc – một cơn bão đăc biệt, rộng lớn hơn Trái Đất -  đang thu hẹp lại. Sự thu hẹp này thay đổi hình dạng của vết đốm từ hình bầu dục trở thành một vòng tròn, đã được biết đến từ những năm 1930, nhưng giờ đây, những hình ảnh mới nổi bật, thu được từ kính thiên văn không gian Hubble NASA/ESA, cho thấy vết đốm đang có kích thước nhỏ hơn bao giờ hết.

Vết đỏ lớn của Sao Mộc là một cơn bão xoáy. Nó xuất hiện trong các bức ảnh của hành tinh khổng lồ nổi bật như một con mắt màu đỏ đậm trong những lớp xoáy màu vàng nhạt, cam và trắng. Gió trong cơn bão cuồng nộ của Sao Mộc này có tốc độ cực kỳ khủng khiếp, đạt tới vài trăm kilomet mỗi giờ.

Những quan sát xa xưa nhất từ khoảng cuối những năm 1800, ước tính kích thước của vết hỗn loạn này khoảng 41.000 km ở chỗ rộng của nó – đủ lớn để có thể đặt dễ dàng ba Trái Đất bên cạnh nhau. Trong năm 1979 và 1980, tàu không gian Voyager của NASA đã đo được đốm này co lại còn 23.335 km đường kính. Giờ đây, Hubble đã nhận ra đốm này nhỏ hơn bao giờ hết.

“Các quan sát gần đây của kính không gian Hubble xác nhận rằng hiện nay, độ lớn của vết đốm này là dưới 16.500 km, đường kính nhỏ nhất chúng tôi từng đo được” Amy Simon từ trung tâm hàng không không gian Goddard của NASA ở Maryland, Mỹ,  cho biết.

Các quan sát nghiệp dư từ năm 2012 đã cho thấy một tỷ lệ hao hụt đáng chú ý của vết đỏ. Chỗ hẹp nhất của vết nhỏ dần đi dưới 1.000 km mỗi năm. Nguyên nhân gây ra sự thu hẹp này vẫn chưa có lời giải.

“Trong những quan sát của chúng tôi, rõ ràng rằng rất nhiều xoáy lốc nhỏ đang ăn vào trong cơn bão”, Simon nói. “Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng có thể chịu trách nhiệm cho sự thay đổi này là sự biến đổi các động lực bên trong của Vết đỏ lớn.”

Kế hoạch của nhóm Simon là nghiên cứu chuyển động của các xoáy lốc, và cũng đồng thời nghiên cứu các động lực bên trong của vết đốm, để xác định cơn bão lốc được bổ sung hoặc mất xung lượng như thế nào.

Ngọc Ánh (VACA)
Theo Space Daily