Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một lỗ đen đang cuốn lấy khi từ một ngôi sao ở gần với tốc độ nhanh gấp 10 lần những gì được ước đoán trước đây. Lỗ đen này có tên là P13, nằm ở vùng ngoại vi của thiên hà NGC7793, cách Trái Đất khoảng 12 triệu năm ánh sáng và nó "làm thịt" một khối lượng tương đương với 100 tỷ tỷ cái xúc xích trong mỗi phút.

Khám phá đã được công bố trên tạp chí Nature. Tiến sĩ Roberto Soria ở Trung tâm nghiên cứu thiên văn vô tuyến quốc tế (ICRAR) đang làm việc tại đại học Curtin cho biết khi khí được tuồn vào lỗ đen chúng trở nên rất nóng và sáng.

Ông nói rằng các nhà khoa học đã nhận ra P13 trước tiên do nó sáng hơn nhiều so với các lỗ đen khác, nhưng ban đầu họ chỉ cho rằng đơn giản vì nó lớn hơn các lỗ đen thông thường.

"Người ta tin rằng tốc độ tối đa mà lỗ đen có thể nuốt khí và phát ra ánh sáng phụ thuộc chặt chẽ vào kích thước của nó," tiến sĩ Soria nói. "Vậy nên việc P13 lớn hơn các lỗ đen thông thường và kém sáng hơn trong thiên hà của chúng ta - Milky Way - là có lý.".

Khi Soria và các đồng nghiệp của ông từ đại học Strasbourg đo khối lượng của P13, họ thấy nó thực ra khá nhỏ, bất chấp việc nó sáng hơn Mặt Trời ít nhất là một triệu lần. Chỉ khi đó họ mới nhận ra rằng nó nuốt vật chất nhiều như thế nào.

"Không hề có một giới hạn nghiêm ngặt thực sự như chúng ta đã nghĩ, các lỗ đen thực ra có thể tiêu thụ nhiều khí hơn và tạo ra nhiều ánh sáng hơn.", Tiến sĩ Soria nói.

Tiến sĩ Soria nói P13 quay quanh một sao siêu không lồ nặng gấp 20 lần Mặt Trời của chúng ta (ngôi sao này là "nhà tài trợ" nguồn khí cho lỗ đen). Ông cho biết các nhà khoa học đã nhìn thấy một mặt của ngôi sao "tài trợ" này luôn sáng hơn mặt bên kia do nó được chiếu sáng bởi tia X phá ra từ vùng xung quanh lỗ đen, do vậy ngôi sao này thay đổi độ sáng khi nó di chuyển quanh lỗ đen.

"Điều này cho phép chúng tôi đo khoảng thời gian để lỗ đen và ngôi sao tài trợ này quay quanh nhau là 64 ngày, và lập mô hình cho vận tốc của hai vật thể và vẽ quĩ đạo của chúng", Soria cho biết. "Từ đó, chúng tôi đã tìm được ra rằng lỗ đen có khối lượng dưới 15 lần khối lượng Mặt Trời".

Tiến sĩ Soria đã so sánh P13 với nhà vô địch ăn uống nhỏ bé người Nhật Bản là Takeru Kobayashi. "Như huyền thoại ăn xúc xích Takeru Kobayashi đã cho chúng ta thấy, kích thước không phải luôn là vấn đề trong thế giới ăn uống và ngay cả một lỗ đen nhỏ đôi khi cũng có thể ăn khí với một tốc độ đáng kinh ngạc," ông nói.

Tiến sĩ Soria cho biết P13 là thành viên của một nhóm lỗ đen được gọi là những nguồn tia X siêu sáng. "Đó là những nhà vô địch ăn khí của vũ trụ, có thể nuốt chửng ngôi sao tài trợ của mình trong dưới một triệu năm. Dó là một khoảng thời gian rất ngắn trong thang thời gian vũ trụ."

Bryan (VACA)
Theo Space Daily