Tối ngày 04/04/2015, người yêu thích thiên văn có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Riêng ở Việt Nam, mặc dù chỉ quan sát được phần sau của hiện tượng, nhưng nếu thời tiết phù hợp thì người quan sát vẫn có thể chứng kiến toàn bộ pha toàn phần.

 

 

 

Nguyệt thực là gì?

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra do Mặt Trăng đi qua điểm giao nhau giữa quĩ đạo của nó quanh Trái Đất và quĩ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời ở phía đối diện với Mặt Trời. Khi đó, nó đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và chỉ nhận được một phần rất nhỏ ánh sáng từ Mặt Trời.




Nguyệt thực có hình dạng ra sao?

Khác với Mặt Trời tối đen khi có nhật thực do thực chất khi đó chúng ta không hề nhìn thấy Mặt Trời mà nhìn thẳng vào vùng tối của Mặt Trăng, khi nguyệt thực diễn ra Mặt Trăng vẫn nhận được một phần ánh sáng của Mặt Trời nên nó trở nên tối và đỏ sẫm (đối với phần đi vào bóng tối hoàn toàn (umbral) - toàn phần hoặc một phần) hoặc đỏ nhạt (đối với phần đi vào vùng nửa tối (penumbral)).


Hình dạng của nguyệt thực qua các pha từ nửa tói tới một phần rồi toàn phần và ngược lại cho tới khi kết thúc

Mặt Trăng máu?

Mặt Trăng máu (Blood Moon) là một thuật ngữ bạn có thể đã thấy lần đầu hồi tháng 4 năm ngoái và lại xuất hiện vào tháng 10 cùng năm khi hai lần đó có nguyệt thực toàn phần (chỉ có lần tháng 10 là quan sát được ở Việt Nam). Nhiều báo chí và độc giả hiểu nhầm khi nghe cụm từ này và cho rằng tên gọi đó xuất phát từ màu đỏ của Mặt Trăng khi có nguyệt thực. Nhưng thực ra thì nguyệt thực bao giờ Mặt Trăng cũng đỏ như nhau cả, và thuật ngữ này không hề dùng để chỉ chung hiện tượng nguyệt thực.

Thuật ngữ "Mặt Trăng máu" xuất phát từ Thiên Chúa giáo cho biết đó là điềm báo của ngày tận thế. Tuy nhiên, như đã nói, Mặt Trăng thường xuyên có màu đỏ như máu vào mọi lần nguyệt thực, nên "điềm báo" này không có tác dụng trong nhận thức của nhân loại. Cho tới đầu thế kỉ 21, hai linh mục là John Hagee and Mark Biltz bắt đầu tuyên truyền rằng điềm báo thực sự xảy ra khi có một bộ bốn nguyệt thực toàn phần liên tiếp, mỗi lần cách nhau đúng 6 tuần trăng. Tuyên bố này của họ trùng với 4 nguyệt thực trong thời điểm này. Lần đầu đã diễn ra vào ngày 15 tháng 4, lần thứ hai là ngày 08 tháng 10 năm 2014. Hiện tượng chúng ta sắp quan sát là lần thứ ba trong bộ bốn này. Lần còn lại sẽ rơi vào ngày 28 tháng 9 năm nay (lần này thì ở Việt Nam không thể quan sát được).

Do ảnh hưởng của sự tuyên truyền này nên nhiều nơi trên thế giới đã dùng luôn thuật ngữ này để chỉ 4 lần nguyệt thực này. Trên thực tế, đây chỉ là một tên gọi vui, không hề có ý nghĩa nào về mặt quan sát, và các nhà khoa học thì đều biết nó càng không phải điềm báo nào cả.

Thời điểm quan sát
Dưới đây là lịch trình diễn ra hiện tượng này tính theo giờ Việt Nam ngày 04/04
- Bắt đầu pha nửa tối: 16h01
- Bắt đầu pha một phần: 17h15
- Bắt đầu toàn phần: 18h57
- Cực đại: 19h00
- Kết thúc pha toàn phần: 19h02
- Kết thúc pha một phần: 20h44
- Kết thúc pha nửa tối (kết thúc hoàn toàn): 21h59


Với tổng thời gian pha toàn phần diễn ra chưa đầy 5 phút, đây chính là nguyệt thực ngắn nhất của thế kỷ 21.

Tại Việt Nam chúng ta, khoảng 18h15 Mặt Trăng mới mọc lên, nhưng tất nhiên rất khó quan sát do thời điểm này trời chưa tối hoàn toàn và chỉ có các vùng ven biển hay núi cao mới có thể nhìn tới chân trời để thấy được. Vậy nên thời điểm lý tưởng nhất để quan sát sẽ là khoảng từ 18h45, tức là ngay trước lúc chuyển sang pha toàn phần.

Hãy hướng ánh mắt của bạn về phía thấp bầu trời phía Đông vào khoảng thời gian trên để tìm kiếm Mặt Trăng. Để có thể quan sát thấy phần thấp của bầu trời, bạn cần có góc nhìn thoáng, không bị cản trở tầm nhìn.

Để quan sát nguyệt thực, bạn không cần bất cứ thiết bị nào để bảo vệ mắt mà hoàn toàn có thể dùng mắt thường. Tất nhiên, hiệu quả sẽ tăng cao nếu như bạn được trang bị kính thiên văn, ống nhòm hoặc camera có độ phóng đại cao.

Nếu trời không có mưa hoặc mây mù, đây chắc chắn sẽ là hiện tượng thiên văn đáng chú ý của năm nay.

Đặng Vũ Tuấn Sơn
(chủ tịch VACA)