Một vùng vịnh giàu nguồn sắt nằm cô lập tại trung tâm Đông Phi hiện đang được các nhà khoa học nghiên cứu và từ đó hỗ trợ giả thuyết rằng vi khuẩn đã tạo ra một trong những mỏ quặng lớn nhất thế giới từ hàng tỷ năm trước.

Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia (UBC) đăng trên Scientific Reports tuần này, 30% số vi khuẩn trong vịnh Kabuno (thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo) phát triển nhờ một dạng quang hợp có khả năng oxy hóa (làm rỉ) sắt thay vì chuyển hóa nước thành oxy như các loại thực vật và tảo biển.

"Vịnh Kabuno là một cỗ mãy thời gian đưa chúng ta về thuở sơ khai của Trái Đất khi sắt chiếm ưu thế trong thành phần hóa học của các đại dương", theo Marc Lliros ở Đại học Namur, tác giả chính của báo cáo.

"Vùng vịnh này đang cho chúng ta một cái nhìn sâu vào những dạng quang hợp cổ xưa đã duy trì sự sống trên Trái Đất trước khi tiến triển thành dạng quang hợp tạo ra oxy giúp duy trì sự sống ngày nay", theo Sean Crowe, nhà địa chất và vi sinh vật học tại UBC, người đứng đầu nghiên cứu.

Dù các vi khuẩn ăn sắt này được tìm thấy vào năm 1993, nghiên cứu mới đăng trên Scientific Reports đã đưa ra bằng chứng cho thấy các vi sinh vật có thể đã liên quan trực tiếp đến việc hình thành các quặng sắt cổ xưa nhất của Trái Đất.

Hơn 2,3 tỷ năm trước, trong không khí có rất ít oxy nhưng lại rất nhiều sắt hòa tan và nhiều sinh vật như các vi khuẩn đã chuyển hóa sắt để dùng làm năng lượng. Có nhiều nhà nghiên cứu tin rằng các loại vi khuẩn đó đã biến đổi một lượng lớn sắt hòa tan thành khoáng vật, sau đó được rải rác khắp đáy đại dương.

Nghiên cứu của UBC về vịnh Kabuno đã hỗ trợ giả thuyết đó. Các vi khuẩn đã chuyển hóa sắt và lớn lên với tốc độ đủ cao để tạo nên một hệ thống những quặng sắt lớn nhất thế giới.

Nhờ việc oxy hóa sắt, những vi sinh vật này đã góp phần lớn trong quá trình định hình cấu trúc hóa học của Trái Đất suốt hàng tỷ năm, và cao hơn nữa là dẫn đến sự tiến hóa của các sinh vật sống phức tạp hơn như cây cối và động vật.

Tuấn Phong (VACA)
Theo Space Daily