keplerplanetarysystemCó hay không sự sống trên các hành tinh khác? Một nghiên cứu gần đây của Jason Steffen ở Đại học Nevada ở Las Vegas (Mỹ) đã làm sáng tỏ thêm phần nào câu hỏi đầy thách thức này. Có lẽ, sự sống có thể tồn tại với sự hỗ trợ lẫn nhau ở các hành tinh láng giềng.


Trong thiên hà của chúng ta (Milky Way), có thể có tới hàng tỷ hệ hành tinh có chứa hơn một hành tinh. Tàu không gian Kepler của NASA đã tìm thấy nhiều cặp hành tinh với quĩ đạo tương tự nhau - khoảng cách quĩ đạo chênh lệch nhau không quá 10%. Nếu một cặp hành tinh như vậy ở vị trí phù hợp, chúng có thể cùng có sự sống và thậm chí hỗ trợ lẫn nhau.

Steffen và Gongjie Li từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard Smithsonian ở Cambridge, Massachusetts đã nghiên cứu một số hệ hành tinh có khả năng cho sự sống như vậy.

"Khá hấp dẫn khi tưởng tượng rằng bạn có hai hành tinh dạng Trái Đất có quĩ đạo liền kề nhau." Steffen nói. "Nếu những hệ mà chúng tôi đã quan sát được nhờ Kepler được qui ra kích thước của quĩ đạo Trái Đất thì hai hành tinh chỉ được phép cách nhau khoảng 1/10 đơn vị thiên văn vào thời điểm chúng ở gần nhau nhất. Khoảng cách đó là gấp 40 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng."

Sao Hoả, ở thời điểm lý tưởng nhất, cách chúng ta 200 lần khoảng cách của Mặt Trăng - ông nhấn mạnh.

Với việc các hành tinh ở quá gần nhau, một số quá trình thú vị trở nên quan trọng. Chẳng hạn, mùa và chu kì khí hậu trên Trái Đất về cơ bản phụ thuộc vào độ nghiêng 23,5 độ của trục Trái Đất so với trục vuông góc với quĩ đạo (nói cách khác là mặt phẳng xích đạo Trái Đất nghiêng 23,5 độ so với mặt phẳng quĩ đạo của nó). Sự thay đổi chỉ khoảng vài độ cũng có thể gây ra thời kì băng hà vĩnh viễn. Nếu hai hành tinh láng giềng gây ra sự thay đổi lớn trong độ nghiêng của nhau, khí hậu của chúng sẽ trở nên không ổn định.

"Chúng tôi thấy rằng độ nghiêng của các hành tinh trong hệ nhiều hành tinh sống được không thực sự ảnh hưởng bởi quĩ đạo của chúng," Li nói. "Chỉ có rất ít những trường hợp hãn hữu là khí hậu của chúng có thay đổi lớn. Nếu không, chúng cũng hành xử giống như các hành tinh trong Hệ Mặt Trời."

Một quá trình khác các nhà khoa học đã điều tra là lithopanspermia - tên gọi của quá trình được cho rằng sự sống ở một hành tinh nào đó được đưa tới các hành tinh khác do các vị va chạm thiên thạch. Chẳng hạn, đã có hơn 100 thiên thạch có nguồn gốc từ Sao Hoả đã được tìm thấy ở Trái Đất. Steffen và Li đã xác định một số điều kiện có thể tạo thuận lợi cho việc lan truyền sự sống giữa hai hành tinh ở một hệ nhiều hành tinh sống được.

Đầu tiên, năng lượng của vụ va chạm cần để lấy vật chất từ một hành tinh tới hành tinh khác trong hệ nhỏ hơn nhiều so với trong Hệ Mặt Trời, như vậy các vi sinh vật mới có thể sống sót qua vụ va chạm. Thứ hai, thời gian cần để di chuyển giữahai hành tinh phải ngắn hơn nhiều. Và thứ ba, cách mà các mảnh vụn sau va chạm di chuyển trong không gian như những dòng chảy có thể giúp cho vật chất từ một va chạm duy nhất ở một hành tinh tới với hành tinh còn lại ở nhiều vị trí cùng lúc. Kịch bản này làm tăng khả năng để sự sống có được nguồn thức ăn để duy trì.

"Hệ nhiều hành tinh sống được có thể có cây phả hệ của vi sinh vật mà rễ và cành ở hai hành tinh khác nhau," Steffen nói. "Những hệnhuw vậy mà chúng tôi đã tìm hiểu và các hệ vệ tinh có quĩ đạo quanh các hành tinh khổng lồ trong vùng sống được thuộc về một số ít kịch bản cho phép sự sống - đặc biệt là sự sống có trí tuệ - có thể tồn tại cùng lúc ở hai nơi trong hệ."

"Bạn có thể tương tượng rằng nếu các nền văn minh phát triển ở cả hai hành tinh, họ có thể liên lạc với nhau hàng trăm năm trước khi có thể trực tiếp gặp mặt. Đó thực sự là một khả năng đáng suy ngẫm."

Bryan (VACA)
Theo Astronomy