In bài này
Hoạt động

Sáng 09/03/2016, nhật thực toàn phần xảy ra tại Nam Thái Bình Dương và ở Việt Nam, người quan sát có thể quan sát được hiện tượng này dưới dạng nhật thực một phần. Tại Hà Nội, do điều kiện sương mù dày đặc, buổi quan sát do VACA tổ chức không được tiến hành như mong đợi nhưng đã trở thành buổi gặp mặt của người yêu thiên văn và trao đổi về kiến thức cũng như cách sử dụng các dụng cụ quan sát thiên văn.

 

 

Nhật thực một phần được quan sát tại Hà Nội theo các tính toán chi tiết diễn ra trong khoảng từ 6h57 đến 8h39 sáng mùng 9 tháng 3 với thời điểm cực đại rơi vào lúc 7h46. Ví lí do này sự kiện quan sát do VACA tổ chức được tiến hành khá sớm, người quan sát và các phóng viên báo chí đều có mặt từ trước 7h00 tại địa điểm quan sát là khu vực bán đảo Linh Đàm - Hà Nội.

Tuy nhiên, không được thuận lợi như khu vực miền Trung và miền Nam, miền Bắc Việt Nam những ngày này có mưa phùn và đặc biệt là sương mù rất dày đặc, độ ẩm xấp xỉ 100%. Tình hình thời tiết này không hề được cải thiện trong buổi sáng diễn ra nhật thực và vì lí do đó khu vực miền Bắc đã hoàn toàn mất cơ hội quan sát hiện tượng này. Đây là điều hết sức đáng tiếc với người quan sát vì cần đợi tới ngày 26 tháng 12 năm 2019 (gần 4 năm nữa), người quan sát tại Việt Nam mới có cơ hội quan sát nhật thực tiếp theo.

Để giữ uy tín với người yêu thiên văn, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhóm quan sát của VACA vẫn có mặt đúng hẹn tại địa điểm tổ chức và đã có dịp gặp nhiều người yêu thiên văn tới tham dự, trong số đó có cả những em nhỏ còn rất ít tuổi được cha mẹ đưa tới tham gia.

Do không thể trực tiếp quan sát, sự kiện trở thành buổi gặp gỡ và trò chuyện của những người yêu thiên văn. Người tham gia, nhất là các bạn nhỏ có dịp được trực tiếp sử dụng ống nhòm, kính thiên văn và nghe giới thiệu về cơ chế hoạt động, cách dùng và vai trò của những dụng cụ này đối với khoa học cũng như đời sống hàng ngày.

VACA xin chân thành cám ơn sự hỗ trợ và tư vấn từ chuyên gia của website www.thienvanviet.com về một số dụng cụ quan sát được sử dụng cho việc quan sát nhật thực lần này. Cám ơn nhóm phóng viên Vietnamplus và kênh truyền hình Vnews đã có mặt ghi hình và đưa tin về sự kiện tới đông đảo người yêu khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng trên cả nước.

Dưới đây là một số hình ảnh về sự kiện (một vài hình ảnh được sử dụng lại do cung cấp của nhóm phóng viên Vietnamplus)

 



Khác với miền Bắc, khu vực các tỉnh miền Nam có thời tiết khá thuận lợi cho việc quan sát, dưới đây là một vài hình ảnh do các bạn yêu thiên văn tại TP. Hồ Chí Minh gửi về cho VACA.

Hình ảnh do bạn Phạm Lâm Hải Triều ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh chụp lúc 8h20


Hình ảnh do bạn Đặng Nguyễn Hải Duy chụp tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh

VACA hi vọng gặp lại người yêu thiên văn tại Hà Nội trong toạ đàm thiên văn dự kiến tổ chức ngày 27 tháng 3 này!

Trân trọng!