In bài này
Tin tức

Một trận động đất là hệ quả của sự dồn nén địa chất trong nhiều năm, đôi khi là hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ. Ở một chỗ nào đó trên vết nứt gãy, đất đá không thể tiếp tục chịu đựng thêm sự dồn nén này gây ra hàng loạt dao động co thắt.

 

Những yếu tố quyết định địa điểm và thời gian động đất xảy ra là rất nhiều, và chúng ta sẽ còn mất nhiều thời gian mới tìm được cách để dự đoán được chúng một cách chính xác. Tuy nhiên, có một điều  đã được xác định là một trong số các yếu tố gây nên động đất đến từ ngoài Trái Đất.

Sự kéo và đẩy của Mặt Trăng
Trong một nghiên cứu công bố tuần trước trên Nature Geosciences (tạp chí Địa khoa học tự nhiên), một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết họ đã tìm ra mối tương quan về mặt thống kê giữa các đợt thuỷ triều mạnh và các trận động đất lớn.

Thuỷ triều như chúng ta đều biết là hệ quả gây ra bởi lực hấp dẫn của Mặt Trăng. Khi Mặt Trăng chuyển động trên quĩ đạo quanh Trái Đất, nó kéo một lượng nước đi cùng nó, làm đại dương bị kéo về phía nó rồi lại bị đẩy ra. Không chỉ có đại dương bị di chuyển bởi Mặt Trăng mà cả đất liền cũng vậy. Lớp vỏ Trái Đất dịch chuyển khoảng 30cm mỗi ngày do chuyển động của Mặt Trăng, một hiện tượng chúng ta tạm gọi là "thạch triều" (sự dịch chuyển của thạch quyển).

Sự uốn cong của lớp vỏ Trái Đất do tương tác hấp dẫn từ Mặt Trăng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định các điểm mấu chốt có thể xảy ra nứt gãy. Khi Mặt Trăng tác động lên lớp vỏ Trái Đất, nó cung cấp thêm một lực không nhỏ để thúc đẩy sự đứt gãy và dao động của các lớp đá, qua đó gây ra động đất.

Các nhà nghiên cứu cho viết nhiều trận động đất lớn trong những năm gần đây đã xảy ra vào thời điểm Trăng tròn hoặc không Trăng, đó là những lúc Trái Đất, Mặt Trời và Mặt Trăng (gần như) thẳng hàng. Ở những thời điểm này thuỷ triều là mạnh nhất. Đồng thời, tỷ lệ các trận động đất lớn so với những địa chấn nhỏ tăng lên trong những thời điểm như thế.

Tuy nhiên, điều thú vị là dường như không có liên hệ giữa thuỷ triều và những cơn địa chấn nhỏ - mối liên hệ đó chỉ xuất hiện trong những dao động mạnh.

Chín trong số mười hai trận động đất lớn được ghi nhận trong giai đoạn tương đối gần đây xảy ra gần thời điểm Trăng tròn hoặc không Trăng, một tỷ lệ vượt ra ngoài sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trong số những trận động đất này có động đất lớn tại Indonesia năm 2004 và trận động đất lớn tại Nhật Bản năm 2011 đã gây ra thảm hoạ hạt nhân Fukushima.

Ý tưởng cũ, phân tích mới
Ý tưởng về việc lực hấp dẫn của Mặt Trăng có thể gây ra động đất không hề mới. Các nhà nghiên cứu đã trích dẫn những bài báo từ tận thế kỷ 19 nói về mối liên hệ giữa Mặt Trăng và động đất.

Gầy đây hơn, một bài báo của các nhà nghiên cứu tại cơ quan khảo sát địa chất Mỹ đã cho biết việc tìm ra rằng một dạng động đất dưới sâu trong các vết đứt gãy ở San Andreas nhiều khả năng đã xảy ra cùng sự tăng của thuỷ triều trong chu kỳ hai tuần của nó. Tuy nhiên các nhà khoa học chưa tìm được bằng chứng thực sự thuyết phục nào về mối liên hệ này. Các bài báo đều không trực tiếp khẳng định rằng Mặt Trăng gây ra động đất mà thay vào đó có vẻ như lực thuỷ triều từ Mặt Trăng có thể làm cho các động đất nhỏ trở nên lớn hơn.

Thực tế, cơ chế của việc này vẫn chưa rõ ràng. Lực thuỷ triều chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố cùng tham gia vào sự kéo, đẩy và làm xoắn lớp vỏ Trái Đất. Tất cả chúng kết hợp cùng lúc để tạo nên một trận động đất. Ở đây đó giữa chuỗi sự kiện đó, Mặt Trăng có thể cung cấp thêm một tác động cần thiết để làm Trái Đất rung chuyển.

Việc tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ được tác động của các chuyển động Mặt Trăng lên các trận động đất sẽ cho chúng ta  một cơ sở quan trọng để dự đoán được thời gian và địa điểm mà động đất diễn ra.

Bryan
Theo Astronomy