In bài này
Tin tức

Mối liên hệ giữa Pluto và vệ tinh Charon của nó là một trong những tương tác khác thường nhất của Hệ Mặt Trời, lý do là khối lượng và khoảng cách của Charon. Nó có đường kính bằng quá nửa Pluto và chuyển động trên quỹ đạo có khoảng cách chỉ hơn 19.000km. Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng Mặt Trăng gần Trái Đất gấp ba lần hiện nay, và có kích thước của Sao Hoả.

 

 

Một nghiên cứu mới của Viện công nghệ Georgia đã đưa tới một cái nhìn đầy đủ hơn về mối liên hệ và cách mà vệ tinh này ảnh hưởng lên việc khí quyển Pluto liên tục bị bóc đi bởi gió mặt trời. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi Charon tới vị trí nằm giữa Mặt Trời và Pluto, nó có thể làm giảm đáng kể sự thất thoát khí quyển của hành tinh lùn này.

"Charon không phải luôn có khí quyển của riêng nó," Carol Paty, giáo sư trường khoa học Trái Đất và khí quyển thuộc viện Georgia cho biết. "Nhưng một khi nó có, nó tạo thành một lá chắn cho Pluto và làm lệch hướng khá nhiều gió mặt trời."

Lá chắn này làm hẹp lại góc chịu va chạm với gió mặt trời của Pluto, làm giảm sự thoát khí quyển. Khi Charon không có khí quyển hoặc khi nó ở những vị trí khác (phía sau hoặc bên cạnh Pluto so với Mặt Trời), nó chỉ có thể gây ra hiệu ứng nhỏ đối với tác động của gió mặt trời.

Các dự đoán này đã được đưa ra từ trước khi tàu không gian New Horizons tới Pluto thu thập dữ liệu và gửi về Trái Đất. Các dự đoán đó phù hợp với dữ liệu hiện nay đã thu được về tốc độ mất khí quyển của Pluto. Các ước tính trước đó đã dự đoán tốc độ này cao hơn ít nhất là 100 lần so với tốc độ thực đã đo được.

John Hale là sinh viên tại viện Georgia và là đồng trưởng nhóm tác giả với Paty. Ông cho biết hệ Pluto là một cửa sổ nhìn vào nguồn gốc của chúng ta bởi Pluto không chịu nhiệt độ khắc nghiệt như những thiên thể có quỹ đạo gần Mặt Trời hơn.

"Kết quả là Pluto vẫn còn giữ lại được nhiều nguyên tố dễ bay hơi, vốn từ lâu bị thổi bay khỏi các hành tinh phía trong bởi gió mặt trời," Hale nói. "Ngay cả với khoảng cách rất lớn so với Mặt Trời, Pluto vẫn bị mất khí quyển một cách chậm chạp. Biết về tốc độ mất khí quyển của Pluto sẽ có thể cho chúng tôi biết về lượng khí quyển ban đầu của nó, và việc nó trông ra sao trong thời kỳ đầu. Từ đó, chúng tôi có thể có ý tưởng về việc Hệ Mặt Trời được tạo thành từ những gì trong giai đoạn hình thành của nó."

Hale và Paty cũng cho biết rằng nghiên cứu của họ khẳng định một giả thuyết về Charon. Các vùng có sự biến đổi màu gần các cực của nó dường như được gây ra bởi các hạt nhiễm từ đã được lấy từ khí quyển của Pluto. Những hạt này đã tới Charon và tích luỹ ở đó suốt hàng tỷ năm, từ khi chúng bắt đầu rời khỏi Pluto.

L.C
Theo Space Daily