In bài này
Tin tức

Lần đầu tiên, một gợn sóng lớn hình cánh cung đã được phát hiện ở khu vực cao nhất trong khí quyển Sao Kim. Phát hiện mới này đã gây ra nhiều nghi vấn cho các nhà khoa học.

 

Cấu trúc này được ghi hình bởi Cơ quan không gian Nhật Bản (JAXA) trong một số hình ảnh được gửi về từ vệ tinh Akatsuki. Sử dụng kĩ thuật ghi hình ở cả dải hồng ngoại và tử ngoại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một điểm nổi bật trong tầng trên khí quyển hành tinh này, nơi tốc độ gió lên tới hơn 300 km/h. Bất cứ thứ gì phát hiện trong khí quyển của hành tinh này đều sớm bị cơn gió dữ dội này cuốn đi, nhưng làn sóng cong này vẫn ở nguyên vị trí của nó, kéo dài ít nhất 4 ngày.

Trải dọc hành tinh

Gợn sóng này trải dài hơn 10.000 km, chạy suốt gần như từ cực này tới cực kia của hành tinh. Nó đánh dấu sự có mặt của không khí ấm hơn một chút ở phần trên của lớp khí quyển dày, ở độ cao khoảng 65km. Một cấu trúc lớn như vậy không hề di chuyển là một điều rất không bình thường.

Khí quyển Sao Kim nằm trong tình trạng siêu-quay, có nghĩa là nó quay nhanh hơn so với sự tự quay của hành tinh. Sao Kim tự quay quanh trục rất chậm, mất tới 243 ngày Trái Đất để hoàn thành một vòng quay của nó - dài hơn cả thời gian nó cần để chuyển động hết một vòng quanh Mặt Trời. Trên Trái Đất, tốc độ của gió tối đa cũng chỉ bằng 10 đến 20% tốc độ quay của hành tinh chúng ta, nhưng ở Sao Kim, gió có tốc độ vượt xa sự tự quay của hành tinh.

Hình ảnh chụp ở dải hồng ngoại cho thấy rõ gợn sóng hình cánh cung trong khí quyển Sao Kim

 

Sóng trọng lực

Các nhà nghiên cứu tin rằng cấu trúc khổng lồ này có thể được gây ra bởi thứ được gọi là "sóng trọng lực" trong khí quyển Sao Kim. Sóng trọng lực (lưu ý rằng hoàn toàn khác với sóng hấp dẫn) là những biến động trong khí quyển hành tinh gây ra bởi tác động của gió lên các thành phần trên bề mặt hành tinh. Trong trường hợp của Sao Kim, những cấu trúc dạng núi trên bề mặt đã buộc gió khi va đập với chúng bị đẩy lên phần trên của khí quyển, nơi gió bị làm chậm lại đủ để tạo thành một gợn sóng hình cánh cung.

Chính xác là chỗ phình của khí quyển này nằm ở khu vực phía trên Aphrodite Terra - một vùng cao nguyên có kích thước của một lục địa. Các nhà nghiên cứu thảo luận về phát hiện này của họ trong bài báo được công bố hôm thứ hai vừa qua trên tạp chí Nature Geoscience (Địa khoa học tự nhiên).

Hình ảnh mô phỏng sự tạo thành của sóng trọng lực: gió va đập với núi trên bề mặt Sao Kim bị đẩy lên trên giống như sóng vỗ vào bờ biển, khi bị đẩy nhanh lên phía trên, chúng tương tác với lớp khí bên trên làm chậm lại tốc độ của gió trên tầng cao khí quyển

Gợn sóng cánh cung đã được phát hiện trong vòng chỉ bốn ngày sau khi nhiệm vụ của Akatsuki bắt đầu. Khi các nhà nghiên cứu quan sát lại vài tháng sau đó, nó đã biến mất. Các nhà khoa học đã quan sát được sự hiện diện của sóng trọng lực ở tầng trên khí quyển của Sao Kim trước đây - tàu không gian Venus Express của Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã tìm thấy những cấu trúc dạng mây ở phía trên một vùng nhỏ hơn có tên là Ishtar Terra hồi năm 2014. Tuy nhiên sóng trọng lực phát hiện trong lần đó nhỏ hơn nhiều so với phát hiện mới đây của JAXA.

Hiểu biết của chúng ta về sóng trọng lực hiện vẫn dựa trên những mô hình quan sát được trong khí quyển Trái Đất. Ở Sao Kim, nơi mà không khí chứa thành phần chính là carbon dioxide (CO2) và áp suất khí quyển gấp gần 100 lần so với Trái Đất thì cơ chế hoạt động của khí quyển rất khác. Những gợn sóng này có thể mang tới cho các nhà thiên văn học một cách khác để xác định địa hình ẩn dưới những đám mây dày đặc của Sao Kim.

Bryan
Theo Astronomy