In bài này
Tin tức

Núi lửa không chỉ tồn tại trên các vệ tinh và hành tinh. Một sao chổi có quỹ đạo chuyển động giữa Sao Thổ và Sao Mộc dường như có những dấu hiệu của núi lửa băng, là hoạt động phun ra vật chất đã đóng băng thay vì dung nham đá nóng chảy. Tuy nhiên, không chỉ một điểm, sự phun trào bắt đầu từ một vị trí nhiều lần trước khi cuối cùng di chuyển đến một vị trí khác trong lớp vỏ băng.

 

Sự tự quay chậm của sao chổi làm cho lớp vỏ bị yếu dần trong khoảng thời gian ban ngày của nó (những khu vực được Mặt Trời chiếu sáng), trong khi carbon monoxide chất đầy trên bề mặt trong suốt thời gian ban đêm. Cuối cùng, áp lực tích tụ dưới bề mặt phun trào. Không giống như những cột phun lốm đốm trên các sao chổi khác, dung nham lạnh phun trào một cách đột ngột và mãnh liệt, không hề có dấu hiệu của sự phun trào từ từ.

“Nó là một sự kiện đột ngột,” cho biết của Richard Miles, nhà khoa học về sao chổi ở Hiệp hội Thiên văn học Anh, người đã trình bày kết quả tại cuộc họp về Phân chia Khoa học Hành tinh ở Pasadena, California. Một khi vụ bùng nổ này hoàn tất, nó dừng lại mà không có sự giảm chậm thường thấy ở các vụ phun trào thông thường. “Nó kết thúc đột ngột. Đó là điều bạn có thể trông đợi từ một vụ phun trào lạnh.”

Một đối tượng bí ẩn đang hoạt động
Sao chổi 29P/Schwassmann-Wachmann là sao chổi hoạt động mạnh nhất trong tất cả sao chổi đã được biết đến. Rất nhanh sau khi nó được phát hiện năm 1927, độ sáng của sao chổi bắt đầu thay đổi một cách đột ngột. Trong khi nhiều sao chổi trở nên sáng hơn khi chúng chuyển động lại gần Mặt Trời, quỹ đạo của 29P gần như là đường tròn hoàn hảo, vẫn duy trì một khoảng cách khá thích hợp so với Mặt Trời. Dù cho quỹ đạo ổn định, nó vẫn có thể thực hiện những thay đổi đáng chú ý về độ sáng, điều khiến nó được yêu thích bởi các nhà thiên văn nghiệp dư thích quan sát.

Miles và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu sao chổi này trong hơn 1 thập kỷ, xác định được hơn 64 vụ phun trào từ vật thể nhỏ bé này. Thiên thể băng này có thể có từ 3 đến 4 vụ phun trào mỗi năm, mặc dù một vài năm nó có thể lên tới 8 vụ. Bằng việc theo dõi vị trí của chúng trên bề mặt sao chổi, các nhà khoa học nhận thấy rằng nhiều vụ phun trào đến từ cùng khu vực. Trong khi một số xuất hiện gần như sau đó một ngày, số khác mất khoảng 20 năm để tái xuất hiện, dựa trên các quan sát trước đó. Sự xuất hiện lặp lại của chúng khiến Miles và nhóm nghiên cứu coi chúng là núi lửa băng. Không giống những núi lửa thông thường phun trào đá nóng chảy, núi lửa băng phun trào khí đóng băng theo cách thức tương tự như những họ hàng nóng hơn của chúng.

Núi lửa băng có thể thường xuất hiện trên các vệ tinh băng trong Hệ Mặt Trời, bao gồm Europa và Ganymede của sao Mộc và Titan của sao Thổ. Các hành tinh lùn cũng có thể chứa những vụ phun trào lạnh giá này, bởi vì cả Pluto và Ceres đều có những đặc điểm được xác định là phù hợp cho những vụ phun trào băng. Bề mặt Sao chổi 29P không có những đặc điểm để có thể xuất hiện núi lửa băng. Thay vào đó, Miles giải thích hoạt động này như hoạt động núi lửa tiềm tàng.

“Nếu nó chỉ xuất hiện một lần, nó không phải là núi lửa,” Miles nói. Phần lớn các điểm phun trào hoạt động 2 hoặc 3 lần trước khi chúng cạn kiệt năng lượng.

Núi Ahuna Mons trên hành tinh lùn Ceres có thể là một trong các núi lửa băng trong Hệ Mặt Trời

Hoạt động kỳ lạ này có thể do chu kỳ ngày đêm dài một cách bất thường của sao chổi. Không giống phần lớn sao chổi có chu kỳ tự quay chỉ tính bằng giờ, 29P tự quay một vòng mất khoảng 60 ngày Trái Đất. Trong suốt đêm dài của sao chổi, vật chất có thể bị dồn lại trong các hố bên dưới bề mặt. Khi sao chổi tự quay trong khoảng thời gian ban ngày, khí nở ra, làm cong bề mặt. Áp lực cao có thể khiến khí phá vỡ bề mặt và nổ tung ra bên ngoài trong một sự kiện như phun trào núi lửa. Thay vì dung nham nóng chảy, khí đóng băng sẽ phun ra từ sao chổi.

Vật chất phun trào ra phía trước giống như sáp paraffin, Miles nói. Sáp mềm ra khá lâu trước khi nó tan chảy thành chất lỏng, điều tương tự có thể đúng đối với dòng vật chất dâng lên từ bên dưới bề mặt sao chổi. Vật chất quanh khe phun trào cuối cùng tự bịt kín nó lại, và đợi cho đến lần tiếp theo, khi áp lực từ bên dưới đủ mạnh để làm yếu bề mặt lần nữa.

Vật chất giống sáp cũng có thể gây ra hoạt động núi lửa khác. Nhờ cái lõi lớn của sao chổi, trải rộng khoảng 40 km chiều ngang, rộng hơn nhiều so với các sao chổi khác, khiến phần lớn vật chất đều rơi ngược trở lại bề mặt của nó. Nếu rơi xuống các nguồn vật chất khác dưới lòng đất, chúng có thể làm yếu lớp vỏ đủ để tự hình thành các núi lửa.

“Khi bạn có một vụ phun trào, bạn gần như sẽ có một vụ khác theo sau đó, hoặc thậm chí vài vụ.” Miles nói.

Vật chất phun trào vào không gian từ những núi lửa băng này làm lớp bao của sao chổi trông rất khác với các sao chổi khác. “Bạn sẽ thấy lớp vỏ ngoài đang mở rộng,” Miles nói. Lớp vỏ quanh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, được quan sát bởi nhiệm vụ Rosetta của Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) vào năm ngoái, đã yếu hơn rất nhiều, ông nói, có thể bởi nó được hình thành ít dữ dội hơn.

Bất chấp hoạt động bất thường của nó, sao chổi 29P nhận được ít sự chú ý từ các đài quan sát mặt đất và không gian. Miles hy vọng sẽ thay đổi điều đó khi ông tiếp tục ghi chép những vụ phun trào bất thường trong nỗ lực tìm hiểu những chu trình kỳ lạ trên vật thể xa xôi này.

Thu Trang
Theo Astronomy