In bài này
Tin tức

ic342Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã sử dụng đài quan sát trên không SOFIA của NASA để lập bản đồ một vành chứa các đám mây phân tử quyển động quanh trung tâm của thiên hà IC 342. Bản đồ này đã xác định được tỷ lệ khí nóng quanh các sao trẻ cùng các phần khí lạnh hơn sẽ dẫn tới sự hình thành các sao mới trong tương lai.


Bản đồ của SOFIA cho thấy hầu hết khí trong khu vực trung tâm của IC 342 (ở khu vực tương ứng của Milky Way cũng có khí như vậy) được làm nóng bởi các sao đã hình thành và chỉ có một số ít ở những đám mây vật chất thô ít hoạt động.

Nằm cách Trái Đất khoảng 13 triệu năm ánh sáng, IC 342 được coi là một thiên hà tương đối gần. Nó khá giống với Milky Way về kích thước và phân loại, ngoài ra nó hướng toàn bộ phần mặt đĩa chính của mình về phía chúng ta và chính vì vậy chúng ta có thể có một cái nhìn hoàn chỉnh về nó.

Cũng như thiên hà của chúng ta, IC 342 có một vành mây khí phân tử đậm đặc bao quanh nhân của nó, nơi xảy ra sự tạo sao. Tuy nhiên, khi quan sát từ Trái Đất thì thiên hà này nằm phía sau những đám mây bụi trong mặt phẳng chính của Milky Way, khiến cho việc nghiên cứu nó qua các kính thiên văn quang học trở nên khó khăn.

Nhóm nghiên cứu người Đức và Hà Lan, do Markus Rollig ở Đại học Cologne (Đức) đứng đầu đã sử dụng thiết bị thu tín hiệu ở tần số terahertz (THz) của Đức (viết tắt là GREAT) đặt trên đài quan sát trên không SOFIA với mục đích thăm dò chi tiết trung tâm của IC 342 ở bước sóng hồng ngoại xa để nhìn qua các đám mây bụi.

Nhóm của Rollig đã lập bản đồ được cho thấy hai vạch quang phổ nổi bật ở dải hồng ngoại xa. Một vạch tương ứng với bước sóng 158 micromet cho thấy có sự phát xạ của ion carbon và vạch còn lại tương ứng với bước sóng 205 micromet cho thấy sự phát xạ của ion nitơ.

Vạch 158 micromet xuất hiện từ cả khí lạnh liên sao (vật chất thô để tạo thành các sao mới) cũng như từ khí được làm nóng bởi các sao đã hoàn tất quá trình tạo thành. Trong khi đó, vạch 205 micromet chỉ có thể tới từ khí nóng quanh các sao đã hình thành.

So sánh độ đậm nét của hai vạch quang phổ này cho phép các nhà nghiên cứu xác định được tương quan giữa lượng khí nóng và khí lạnh trong các đám mây.

Nhóm của Rollig thấy rằng hầu hết khí ion hoá ở vùng phân tử trung tâm của IC 342 nằm trong những đám mây được đốt nóng bởi các sao đã hình thành hơn là khí lạnh nằm xa hơn ra phía ngoài. Việc này rất giống với phân bố ở khu vực trung tâm của Milky Way. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Astronomy and Astrophysics (Thiên văn học và Vật lý thiên văn) số 591.

Rollig cho biết: "SOFIA và thiết bị GREAT của nó cho phép chúng tôi lập bản đồ của sự tạo sao ở trung tâm của IC 342 với độ chi tiết chưa từng có. Những phép đo này không thể được thực hiện với những kính thiên văn mặt đất cũng như những kính thiên văn không gian hiện nay."

Bryan
Theo Space Daily

---

Chú thích:

IC: viết tắt của danh mục Index Catalogue, đầy đủ là Index Catalogue of Nebulae and Clusters of Stars (mặc dù được gọi là danh mục tinh vân và cụm sao nhưng vẫn có một số thiên hà được liệt kê trong danh mục này).

SOFIA: viết tắt của "Stratospheric Observatory for Infrared Astronomy" (Đài quan sát ở tầng bình lưu sử dụng cho thiên văn hồng ngoại). Nó không phải một kính thiên văn không gian mà thực tế là một chiếc máy bay Boing 747SP được thiết kế để mang theo chiếc kính thiên văn 100 inch thực hiện cho việc quan sát từ trên tầng cao khí quyển của Trái Đất. Đây là một dự án liên kết giữa NASA và Trung tâm hàng không không gian Đức (DLR).