In bài này
Giới thiệu
VACA


> Hoàn cảnh thành lập

> Thời kì thứ nhất: NHỮNG NGÀY ĐÂU (Từ đầu năm 2002 đến hết năm 2003)

> Thời kì thứ hai: NHỮNG THÀNH TỰU ĐẦU TIÊN (Từ đầu năm 2004 đến giữa năm 2006)

> Thời kì thứ ba: DUY TRÌ ỔN ĐỊNH (Từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2009)

> Thời kì thứ tư: CỦNG CỐ NỀN TẢNG TRI THỨC (Từ đầu năm 2009 đến đầu năm 2013)

> Thời kì thứ năm: ĐẨY MẠNH GIÁO DỤC (Từ tháng 3 năm 2013 đến tháng 3 năm 2016)

> Thời kỳ thứ sáu: từ tháng 3 năm 2016 đến hết năm 2021

> Thời kỳ thứ bảy: Từ đầu năm 2022 tới nay

 

 

 

TÓM TẮT LỊCH SỬ VACA


Hoàn cảnh thành lập

Cho tới vài năm đầu tiên của thế kỉ 21, sự phát triển của thiên văn học tại Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp. Có thể dễ dàng nhìn thấy những dẫn chứng cho điều này ở việc tổng số đầu sách về thiên văn bằng tiếng Việt từng được xuất bản chỉ khoảng vài chục cuốn, trong đó còn nhiều cuốn đưa thông tin chưa chính xác; một tỷ lệ khá lớn học sinh và sinh viên các ngành kĩ thuật còn chưa từng nghe thấy thuật ngữ "thiên văn học". Trong nước khi đó Hội thiên văn vũ trụ Việt Nam cũng đã được thành lập và cũng có một số nhà thiên văn chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư tham gia nhưng các hoạt động còn chưa mang tính phổ biến rộng rãi. Mặt khác vào thời gian này internet và các công cụ của nó còn chưa phát triển nhất là ở Việt Nam nên không có nhiều điều kiện cho việc thu nhận thông tin. Những người yêu thích thiên văn và vũ trụ học trong nước tuy không ít nhưng với những điều kiện nêu trên, việc nghiên cứu và phát triển nhận thức thiên văn gặp rất nhiều khó khăn. Đầu thế kỉ 21 chính là thời gian mà xã hội cũng như công nghệ trong nước phát triển rất nhanh, và đó là thời điểm những người cùng mối quan tâm có nhiều điều kiện hơn để gặp gỡ, trao đổi, và tập hợp lại thành tổ chức.


Đầu năm 2002, một nhóm thanh niên gồm hầu hết là sinh viên các ngành khoa học, kĩ thuật đang học tập và công tác tại Hà Nội, sau nhiều trao đổi về vật lý, thiên văn (chủ yếu trên diễn đàn Trí tuệ Việt Nam Online (nay là Trái tim Việt Nam - TTVNOnline) đã đi tới thống nhất lập ra Câu lạc bộ Thiên văn học (tên ban đầu của VACA), tổ chức thiên văn đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu và phổ biến kiến thức thiên văn.

 



Thời kì thứ nhất: Từ đầu năm 2002 đến hết năm 2003

Trong thời gian đầu, câu lạc bộ (CLB) sử dụng phương tiện hoạt động chính là diễn đàn. Diễn dàn ban đầu của CLB là box "Thiên văn học" thuộc forum TTVNOnline. Ngày thành lập box này cũng được chọn là ngày thành lập chính thức của CLB (29/03/2002). Trong buổi họp đầu tiên, CLB thống nhất bầu ông Nguyễn Tuấn Anh làm chủ tịch* đầu tiên. Sau vài tháng hoạt động dưới hình thức chính là trao đổi online trên forum và một số sinh hoạt offline nhỏ, CLB đã thu hút được hàng chục thanh viên tham gia thuộc nhiều địa phương và tỉnh thành trong cả nước từ Bắc tới Nam. Đây chính là tiền đề quyết định không thể thiếu cho việc phát triển hoạt động thiên văn rộng rãi (nhất là ở phạm vi nghiệp dư) tại Việt Nam trong những năm sau này.

 

 

Cuối năm 2002, đầu năm 2003, CLB Thiên văn học đã có thêm sự tham gia của ngày một nhiều thành viên là những thanh niên yêu khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng khắp cả nước. Các thảo luận và trao đổi thông tin trên diễn đàn đã ở số lượng khá lớn dù chưa thật sự đầy đủ và chi tiết cũng do điều kiện thông tin còn chưa phát triển như trên đã nêu. Ngoài ra thời gian này CLB cũng tổ chức nhiều hoạt động họp mặt và thảo luận kiến thức.

 



Thời kì thứ hai: Từ đầu năm 2004 đến giữa năm 2006

Đầu năm 2004, với mục đích phát triển rộng rãi hơn việc phổ biến kiến thức thiên văn học và chuẩn hóa các thông tin đưa đến với người yêu thiên văn cả nước, CLB đi sâu vào việc tạo ra những tập tài liệu chuẩn kiến thức bằng tiếng Việt do các thành viên CLB tự biên soạn qua tham khảo nhiều nguồn tài liệu uy tín của các tổ chức thiên văn nước ngoài. Tháng 8 năm 2004, CLB chính thức đổi tên thành Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam  và bầu ông Đặng Vũ Tuấn Sơn làm chủ tịch. Đây là những bước đầu tiên cho việc phổ biến kiến thức thiên văn một cách chính xác nhất tới người yêu thiên văn ở Việt Nam.


 

Tháng 11 năm 2004, VACA phát hành CD thiên văn học đầu tiên tập hợp các thông tin thiên văn cơ bản dành cho những người mới tìm hiểu thiên văn. Tuy còn khá thô sơ do điều kiện thời gian cũng như kĩ thuật nhưng đây đã có thể coi là ấn phẩm thiên văn hữu ích lúc bấy giờ và bước đầu ghi nhận sự trưởng thành của câu lạc bộ.


Tháng 8 năm 2005, VACA chính thức đưa vào hoạt động website Thiên văn Việt Nam (http://thienvanvietnam.org*). Có thể khẳng định đây là website đầu tiên về thiên văn học bằng tiếng Việt, và là phương tiện góp phần quan trọng hàng đầu trong việc phổ biến kiến thức thiên văn qua internet tại Việt Nam.

Với sự phát triển không ngừng về chất lượng sau khi thành lập website, tháng 10 năm 2005 lần đầu tiên VACA tổ chức "Ngày hội thiên văn Việt Nam" nhân tuần lễ không gian thế giới World Space Week. Sự kiện này sau này tiếp tục được tổ chức vào tháng 10 các năm tiếp theo cho tới năm 2008, với sự tham gia của hàng trăm người yêu thiên văn tại Hà Nội, đánh dấu một bước tiến đáng mừng trong việc nâng cao nhận thức thiên văn học tại Việt Nam.



Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2007, ngoài sự nỗ lực của tất cả những thành viên câu lạc bộ, thành công của các buổi hội thảo, nói chuyện có sự đóng góp không thể thiếu bởi sự giúp đỡ của các nhà vật lý và thiên văn đi trước: Nhà vật lý quá cố Đặng Mộng Lân, Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Nhà vật lý Phạm Văn Thiều, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải ...

 

Thời kì thứ ba: Từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2009

Như đã nêu trên, trong thời gian này, VACA tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động lớn như các buổi hội thảo, nói chuyện, phổ biến và trao đổi kiến thức thiên văn cho người yêu thiên văn trong nước, đặc biệt tại Hà Nội. Những hoạt động này cùng với sự có mặt của website Thienvanvietnam.org đã trở thành phong trào tiên phong cho sự phát triển nhận thức và sự quan tâm tới thiên văn của nhiều người thuộc nhiều thành phần xã hội.

Đây cũng là giai đoạn có sự ra đời của nhiều câu lạc bộ thiên văn lớn nhỏ tại nhiều địa phương khắp cả nước qua những tiền đề mà VACA đã tạo ra, một vài CLB trong số đó do các hội viên trưởng thành từ VACA tự thành lập đến nay vẫntiếp tục hoạt động. Đây cũng là một bước tiến đáng ghi nhận với cộng đồng người yêu thích thiên văn trong nước.

 

Năm 2008, VACA có một số hoạt động kết hợp cùng Hội trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE). Với sự hợp tác của các công sự từ VAYSE, hoạt động thành công nhất mà VACA đã thực hiện được là tổ chức lớp học thiên văn cơ bản vào tháng 7 năm 2008. Lớp học có sự tham gia của các học viên trẻ và đã cấp chứng chỉ cho 15 học viên vào Ngày hội thiên văn Việt Nam tháng 10 năm 2008.

 


Tháng 3 năm 2009, VACA tổ chức hội thảo thiên văn kỉ niệm 7 năm thành lập. Đây cũng là sự kiện đánh dấu tạm ngừng hoạt động offline của câu lạc bộ sau 7 năm, chuyển qua giai đoạn tiếp theo tập trung cho việc hoàn thiện website cũng như các hoạt động trên internet để đưa kiến thức và thông tin thiên văn ngày càng đầy đủ tới phạm vi rộng hơn của những người có quan tâm.

 

Thời kì thứ tư: Từ đầu năm 2009 đến nay đầu năm 2013

Năm 2009 bắt đầu thời gian tạm dừng hầu hết các hoạt động offline của VACA. Câu lạc bộ tập trung vào các hoạt động trên website và diễn đàn. Đây là một khoảng thời gian quan trọng, bổ sung ngày một đầy đủ và chi tiết các thông tin, kiến thức về thiên văn trên trang chủ của website, thêm một lần khẳng định uy tín hàng đầu của website Thienvanvietnam.org trong việc giới thiệu và phổ biến kiến thức thiên văn tại Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, mặc dù hoạt động offline rất ít được thực hiện nhưng số lượng người quan tâm và tham gia diễn đàn VACA vẫn tăng lên đáng kể, và quan trọng nhất là đối tượng tham gia không còn chỉ là giới trẻ (học sinh/sinh viên) mà còn có rất nhiều người ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, từ học sinh cấp 2, cấp 3 cho tới người đã lớn tuổi, không chỉ người hoạt động trong lĩnh vực khoa học kĩ thuật mà còn cả người thuộc các ngành kinh tế, văn hóa, báo chí, pháp luật ...


Cũng trong gần 3 năm này, ngoài việc hoàn thiện nội dung của website, VACA cũng đồng thời góp phần phổ biến rộng rãi kiến thức cơ bản về thiên văn qua những tác phẩm như bản đồ Vũ trụ, Thiên hà, DVD kiến thức và phim thiên văn...

Cùng với sự phát triển không ngừng của các hoạt động thiên văn trong nước từ các tổ chức tới các cá nhân, đến cuối năm 2011 VACA bắt đầu quay trở lại với các hoạt động trước đây với qui mô lớn hơn và mức độ chuyên môn cao hơn để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thiên văn của những người có quan tâm ngày một nhiều hơn.

(Kỉ niệm 10 năm thành lập VACA)


Tháng 3 năm 2012, VACA tổ chức kỉ niệm tròn 10 năm thành lập, một chặng đường thật sự rất dài đối vói một tổ chức khoa học phi lợi nhuận. Đây chính là một bước quan trọng để đưa các hoạt động của câu lạc bộ tới một qui mô cao hơn, cũng như ghi nhận lại những gì mà VACA cũng như mỗi người đã và đang gắn bó cùng câu lạc bộ đã đóng góp cho sự phát triển của Thiên văn học Việt Nam trong những bước đi đầu tiên của mình.

Năm 2012 là một năm có nhiều hiện tượng thiên văn đáng chú ý, cùng với việc tổ chức quan sát các hiện tượng này VACA đồng thời phát triển mạnh hoạt động giáo dục kiến thức thiên văn. Trong thời gian này, VACA tổ chức nhiều hội thảo, nhiều buổi nói chuyện về thiên văn học và vũ trụ học, nâng cao nhận thức và vũ trụ quan cho người trẻ trong nước, đặc biệt tại Hà Nội. Tháng 7 năm 2012, VACA tổ chức một số lớp học giáo dục kiến thức thiên văn học cơ bản cho học sinh và sinh viên tại Hà Nội với sự tham gia hỗ trợ của một số người trẻ tuổi yêu khoa học và giáo dục.

Lớp học thiên văn học cơ bản do VACA tổ chức năm 2012

 

 

 

Thời kì thứ năm: từ tháng 3 năm 2013 đến tháng 3 năm 2016

 

Tháng 3 năm 2013, nhân kỉ niệm 11 năm thành lập, VACA sử dụng tên gọi mới là

HỘI THIÊN VĂN VÀ VŨ TRỤ HỌC VIỆT NAM

(tiếng Anh: Vietnam Astronomy and Cosmology Association - trước đây đôi khi được gọi là Hội thiên văn học trẻ Việt Nam; tên viết tắt vẫn là VACA)

 

Từ đó tới nay, VACA tiếp tục đi sâu vào hoạt động giáo dục, phổ biến kiến thức thông qua các buổi hội thảo, lớp học thiên văn, các dự án (Từ điển thiên văn học, tạp chí thiên văn, ...) đúng với mục tiêu và quan điểm ban đầu: Thiên văn học không phải là ngắm sao, Thiên văn học là một môn khoa học. và một môn khoa học thì cần được đưa vào giáo dục.

(Hội thảo thiên văn học ngày 11 tháng 08 năm 2013)

 

Nửa cuối năm 2014, VACA liên tục tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức miễn phí tại Hà Nội với mong muốn phổ biến kiến thức thiên văn học tới đông đảo người yêu khoa học trẻ tuổi. Đồng thời, thông qua chuỗi hoạt động này, VACA cũng tập trung hoàn thiện nội dung các bài giảng để phục vụ việc giáo dục thiên văn theo mô hình lớp học. Cho tới cuối năm 2014, mô hình đã ứng dụng thành công tại Hà Nội với qui mô vừa và nhỏ, làm tiền đề phát triển ra các qui mô lớn hơn và phát triển ra ngoài phạm vi Hà Nội.

Một số hình ảnh về các bài giảng và lớp học của VACA năm 2014

 

Một buổi sinh hoạt với nội dung trao đổi về cấu tạo của kính thiên văn năm 2014

 

Tháng 1 năm 2015, VACA tham gia thành lập CLB Trí thức trẻ Hà Nội (thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội); Chủ tịch VACA - nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn - được bầu làm ủy viên thường vụ, chánh văn phòng Câu lạc bộ.


Đại hội CLB Trí thức trẻ Hà Nội (HYIC) ngày 17/01/2015

Cũng trong năm 2015, VACA thực hiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ hội viên, tuyển thêm nhiều hội viên trẻ là người có trí tuệ và say mê để cùng góp phần đẩy nhanh mục tiêu giáo dục thiên văn cho cộng đồng.

Một buổi quan sát của hội viên VACA tại Hà Nội

Buổi gặp gỡ và giao lưu giữa các hội viên trẻ của VACA

Đại diện VACA tham gia giao lưu và giải đáp thiên văn học cho các em nhỏ trường mầm non VSK (Tây Hồ, Hà Nội)


Hội thảo "Thiên văn học trong đời sống và ngôn ngữ ngày nay" do VACA tổ chức ngày 30 tháng 08 năm 2015

 

 

Thời kỳ thứ sáu: từ tháng 3 năm 2016 đến hết năm 2021

Tới năm 2016, đội ngũ hội viên của VACA đã được củng cố về chất lượng, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đủ để trực tiếp tham gia thực hiện những ấn phẩm cụ thể phục vụ giáo dục và phổ biến kiến thức khoa học.

Hội thảo nhân dịp 100 năm thuyết tương đối rộng của Einstein và nhân sự kiện phát hiện trực tiếp sóng hấp dẫn, đồng thời là kỷ niệm 14 năm thành lập VACA. Sự kiện đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều người yêu khoa học tại Hà Nội

Tham gia giáo dục kiến thức thiên văn học cho trẻ mầm non...

...và học sinh tiểu học

 

Ngoài việc tiếp tục tổ chức và tham gia các sự kiện khoa học, phổ biến kiến thức, VACA đã có những sản phẩm cụ thể như bộ ấn phẩm bản đồ kích thước lớn (gồm 4 ấn phẩm: Vũ trụ, Thiên hà Milky Way, Hệ Mặt Trời và Các chòm sao - Xem tại đây); các bộ phim khoa học được trực tiếp hội viên VACA dịch sang tiếng Việt với độ chính xác thuật ngữ cao hơn rất nhiều so với các bản dịch từng có ở Việt Nam (Into the Universe withe Stephen Hawking, Wonders of the Solar System, Wonders of the Universe, ...), ...

 

Đặc biệt nhất, có thể coi là thành tựu lớn nhất trong lịch sử hoạt động của VACA tính tới thời điểm cuối năm 2016 là việc xuất bản thành công "Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn". Đây là cuốn từ điển tra cứu về thiên văn học và vật lý thiên văn có thể nói là đầu tiên bằng tiếng Việt với hơn 1.000 thuật ngữ được định nghĩa chi tiết. Cuốn sách đã được lên ý tưởng từ năm 2006 và bắt đầu chính thức thực hiện từ giữa năm 2013.

Từ điển do nhóm tác giả Đặng Vũ Tuấn Sơn, Toàn Ngọc Ánh, Hà Đắc Long và Lê Phương Dung thực hiện với sự hỗ trợ của nhiều cộng tác viên là hội viên VACA, được xuất bản tháng 12 năm 2016 bởi NXB Tri thức và Nhà sách Tri thức trẻ.

 

Tại hội thảo giới thiệu sách, Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho chủ biên của cuốn sách - Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ tịch VACA - vì những cống hiến cho khoa học năm 2016.

 

Ngày 26 tháng 3 năm 2017, VACA tổ chức "Ngày hội thiên văn Việt Nam 2017" nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập của mình. Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn về giáo dục và phổ biến kiến thức khoa học đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người yêu khoa học tại Hà Nội. Cũng trong năm 2017, VACA hoàn thành cuốn sách chính thức thứ hai của mình có tên "Trái Đất và Hệ Mặt Trời". Sách do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành vào tháng 9 năm 2017 và đã được rất nhiều độc giả đón đọc cũng như phản hồi tích cực. Hoạt động phổ biến kiến thức thiên văn dưới dạng lớp học và nhiều hội thảo, sự kiện khác cũng được thực hiện thành công trong thời gian này.

 

Kỷ niệm 15 năm thành lập VACA - Sự kiện được tổ chức ngày 26/03/2017.

 

Lớp học thiên văn cơ bản năm 2017 của VACA

 

VACA tham dự và phối hợp thuyết trình Hội thảo "Một mình giữa vũ trụ bao la?" do NXB Tri thức tổ chức ngày 29/11/2017.

 

Hội thảo giới thiệu sách "Vũ trụ: Xa hơn Mây Oort" tại Hà Nội, ngày 28/10/2018.

 

Hoạt động hợp tác giáo dục về thiên văn học với các trường tiểu học hè năm 2019.

 

Quan sát nhật thực một phần ngày 26/12/2019.

 

Cho tới đầu năm 2020, VACA đã xuất bản tất cả 4 cuốn sách do các tác giả là hội viên của VACA thực hiện, đồng thời vẫn đang tiếp tục với những dự án mới cùng nhiều ý tưởng mới về nghiên cứu và phổ biến kiến thức thiên văn học cho người yêu khoa học ở mọi nơi và mọi lứa tuổi.

4 cuốn sách đã được xuất bản chính thức của VACA (xếp từ trái sang phải theo trình tự thời gian xuất bản): 1. Từ điển Thiên văn học và Vật lý thiên văn; 2. Trái Đất và Hệ Mặt Trời; 3. Vũ trụ: Xa hơn Mây Oort; 4. Các chòm sao: Toàn cảnh về bầu trời đêm. (Xem thông tin về tất cả các ấn phẩm đã phát hành của VACA tại đây)

 

Thời kỳ thứ bảy: từ đầu năm 2022 tới nay

2022 là năm VACA kỷ niệm tròn 20 năm từ ngày thành lập. Để kỷ niệm chặng đường này, VACA đã xuất bản thành công sách "THIÊN VĂN HỌC THẾ KỶ 21: HAI THẬP KÝ ĐÃ QUA, MỘT TƯƠNG LAI PHÍA TRƯỚC" vào tháng 1 năm 2022. Đồng thời, cơ chế kết nạp hội viên cũng như cách thức hoạt động cũng được hiệu chỉnh lại để phù hợp hơn với môi trường hoạt động cũng như những yêu cầu về nghiên cứu và giáo dục.

Cuốn sách nhân kỷ niệm 20 năm thành lập VACA.

Họp mặt một số hội viên thuộc nhiều giai đoạn để chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm thành lập.

 

Hội viên VACA và một số khách mời tại sự kiện "Vũ trụ và thế giới của tương lai" ngày 27/03/2022, kỷ niệm 20 năm thành lập VACA.

Dưới đây là một video ngắn tổng kết toàn bộ chặng đường 20 năm đầu tiên của VACA:

 

 

Trong năm 2022, VACA đã có nhiều hoạt động về giáo dục và hướng tới việc phổ biến tri thức cho cộng đồng. Các lớp học dành cho cả trẻ em và người trưởng thành đã được hoàn thiện về nội dung và mang lại kiến thức cho rất nhiều học viên thuộc nhiều lứa tuổi. Người yêu thích thiên văn và các nhà giáo quan tâm tới việc phổ biến kiến thức cho học sinh có thể tham khảo các lớp học online cho người lớn tại đâychương trình Khám phá Vũ trụ cho trẻ em tại đây.

 

Hình ảnh một bài giảng ở lớp học của VACA dành cho trẻ em.

 

Cũng trong năm 2022, VACA đã hoàn thành việc bổ sung nội dung cho 4 cuốn sách đã được xuất bản ở những năm trước và biên soạn sách mới "Lược sử Thiên văn học". Toàn bộ những cuốn sách này được xuất bản vào đầu năm 2023 dưới dạng bộ sách "Bức tranh Vũ trụ". Bộ sách này được sẽ được giới thiệu trong sự kiện kỷ niệm 21 năm thành lập của VACA, cuối tháng 3 năm 2023.

 

Bộ sách Bức tranh Vũ trụ xuất bản đầu năm 2023.

 

Trong thời gian tiếp theo, VACA tiếp tục nâng cao trình độ hội viên, kết nạp thêm các hội viên có đủ kiến thức và đam mê, đồng thời tiếp tục xây dựng thêm các hoạt động và ấn phẩm mới (mở lớp đào tạo thiên văn học cơ bản, xuất bản thêm các sách phổ biến kiến thức, ..). Một số nghiên cứu phục vụ việc giáo dục và nâng cao nhận thức về khoa học nói chung và vật lý thiên văn nói riêng cũng đang được tiến hành.

( Đọc về quy trình kết nạp hội viên của VACA tại đây. )

Để có thể duy trì tổ chức giáo dục phi lợi nhuận trong suốt những năm qua, cũng như tiếp tục phát triển và đi sâu vào các mục tiêu cụ thể, hữu ích hơn cho cộng đồng, VACA có được sự tham gia nhiệt tình và hết sức quí giá của nhiều hội viên thuộc nhiều lứa tuổi và ngành nghề. VACA hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hết mình của các hội viên và sự ủng hộ của người yêu khoa học trong những giai đoạn tiếp theo!

VACA

 

Chú thích
*Chủ tịch: ban đầu khi lập câu lạc bộ chức danh được sử dụng là "hội trưởng", sau này để phù hợp với hình thức và qui mô hoạt động của tổ chức nên chức danh này mới đổi thành "chủ tịch"
*Thienvanvietnam.org: Tháng 8 năm 2005 khi mới lập ra, địa chỉ của website là http://thienvanvietnam.com , sau này do một số sự cố kĩ thuật cũng như để phù hợp hơn với tính chất của website nên VACA sử dụng tên miền là https://thienvanvietnam.org , cùng website tiếng Anh tại địa chỉ https://astronomy.vn